Thời điểm này, người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung chăm sóc đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán với kỳ vọng có lợi nhuận cao.
Trang trại chăn nuôi của bà Đào Thị Vuông, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) đang có 300 con lợn thịt. Để có sản phẩm cung cấp cho thị trường tết, từ cuối tháng 8 âm lịch, gia đình đã tập trung tái đàn, đồng thời tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho đàn lợn. Bà Vuông cho biết: Trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi phức tạp, gia đình đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi như tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại hằng ngày, tiêu độc, khử trùng định kỳ và theo dõi, giám sát nhiệt độ trong chuồng trại. Cùng với đó, gia đình đã bổ sung cho lợn ăn đầy đủ dưỡng chất, men vi sinh, giúp lợn tiêu hóa tốt thức ăn, tăng cường sức đề kháng.
Người chăn nuôi ở Điện Quan (Bảo Yên) chăm sóc đàn gà.
Cũng theo xu hướng tăng đàn trong dịp tết, những ngày này, các hộ nuôi gà tại xã Điện Quan, nơi được coi là “thủ phủ” gà đồi của huyện Bảo Yên đang tất bật với mong muốn có được nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Là trang trại chăn nuôi quy mô lớn, thường xuyên duy trì từ 4.000 đến 5.000 con gà/năm, ông Nguyễn Văn Thọ, Bản 5 đã chủ động tái đàn. Ông Thọ cho biết: Với giống gà Minh Dư thả đồi, sau hơn 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 2,5 – 2,8 kg/con mới có thể xuất bán. Để có nguồn hàng cung ứng đúng dịp tết, gia đình tái đàn từ đầu tháng 9.
Trên địa bàn xã Điện Quan hiện có 13 trang trại chăn nuôi gà đồi, với tổng đàn trên 40.000 con/năm. Nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng vật nuôi, đáp ứng thị trường tiêu dùng trong dịp tết, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại, các hộ chăn nuôi tăng cường thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Điện Quan cho biết: 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ gia cầm chậm, giá bán thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động giảm đàn. Tuy nhiên, dự báo thị trường dịp tết sẽ có nhiều khởi sắc, xã đã khuyến khích các trang trại chăn nuôi tăng đàn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp tết, các địa phương, đặc biệt là các địa phương trọng điểm chăn nuôi của tỉnh đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân tái đàn, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Thời gian qua, người chăn nuôi lợn gặp khó khăn do trên địa bàn xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi khống chế được dịch, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân khử trùng khu vực chăn nuôi, tìm nguồn giống đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đến thời điểm này, huyện Bảo Yên có 38.000 con lợn, đủ điều kiện cung ứng ra thị trường dịp tết. Tuy nhiên, với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, trình độ chăn nuôi của người dân, huyện Bảo Yên chỉ đạo người dân chuyển hướng chăn nuôi gia súc sang nuôi gà thả đồi. Thời gian qua, người chăn nuôi ở các xã Điện Quan, Minh Tân, Thượng Hà, Bảo Hà, thị trấn Phố Ràng liên tục vào đàn, hiện tổng đàn gà toàn huyện có 770.000 con, tăng 220.000 con so với cùng thời điểm của năm trước. Với sản lượng này, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong huyện, mà còn cung cấp cho thị trường Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu sử dụng thịt, cá của người dân Lào Cai trung bình là 3 kg/người/tháng. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân toàn tỉnh bình quân là 4.500 tấn/tháng, trong tháng tết, nhu cầu tăng 15% – 20%. Dự kiến, trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh sẽ đón khoảng 200.000 – 300.000 lượt khách du lịch, sẽ tiêu thụ khoảng 70 tấn thịt, cá. Như vậy, vào dịp tết này, tỉnh Lào Cai có nhu cầu sử dụng khoảng 6.000 – 6.300 tấn thịt hơi các loại/tháng.
Thống kê về nguồn cung cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 107 nghìn con trâu, gần 23 nghìn con bò, hơn 7 nghìn con ngựa, hơn 395 nghìn con lợn, 5 triệu con gia cầm, 2.100 ha nuôi thủy sản. Tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 65.700 tấn/năm, sản lượng trứng ước đạt 60.600 quả/năm, sản lượng thủy sản ước đạt 10.500 tấn/năm. Như vậy, đối chiếu về khả năng sản xuất thịt, cá trong tỉnh khoảng 6.900 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt, cá khoảng 6.300 tấn/tháng cho thấy, nguồn cung tại chỗ không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, mà còn dư để dự trữ và xuất bán.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguồn cung các sản phẩm từ thịt từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần đảm bảo về số lượng, an toàn về chất lượng, ổn định về giá cả do nguồn cung chính là từ các trang trại quy mô vừa và lớn chứ ít phụ thuộc vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện toàn tỉnh có 343 trang trại chăn nuôi, trong đó 225 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 113 trang trại quy mô vừa và 5 trang trại quy mô lớn.
Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục đang tiếp tục rà soát, nắm hiện trạng, số lượng đàn gia súc, gia cầm và khả năng cung cấp thịt hơi xuất chuồng tại các địa phương để có biện pháp điều phối, tránh trường hợp khan hiếm cục bộ đẩy giá lên cao. “Nguồn cung thịt gia súc, gia cầm từ nay đến tết Nguyên đán 2022 đảm bảo về số lượng, an toàn về chất lượng, ổn định về giá cả, đáp ứng nhu cầu đón tết của Nhân dân” – bà Hoa nói.
Thanh Nam – Kim Thoa
Nguồn: Báo Lào Cai