Quảng Trị: Áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để tạo ra những con vật lai có tầm vóc, thể trạng tốt. Nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh của huyện Vĩnh Linh nhưng theo đánh giá, việc phát triển đàn trâu, bò thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nguyên nhân là do đa số các hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) còn hạn chế, chăn thả tự do nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết làm giảm tầm vóc và sức sản xuất của vật nuôi, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhằm nâng cao thể trọng, tầm vóc đàn gia súc của địa phương, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

đàn bò lai

Thông qua chương trình cải tạo đàn bò đã tạo ra đàn bò lai có tầm vóc vượt trội so với giống bò vàng địa phương – Ảnh: L.A

Trong đó, phải kể đến chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông (KN) huyện, gia đình chị Trần Thị Diễn ở xã Trung Nam đã sử dụng tinh đông lạnh giống bò đực BBB để TTNT cho đàn bò cái lai Zebu của gia đình. Thời điểm này gia đình chị đang có 1 bê lai F1 BBB 6 tháng tuổi và 1 bò mẹ đang mang thai.

Theo chị Diễn, việc phối tinh bò BBB với bò cái nền Zebu đã giúp tỉ lệ phối giống đạt cao. Bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng lớn, cân nặng đạt trên 30 kg, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống. Đặc biệt, giống BBB này rất phàm ăn, nhanh lớn, hiền lành nên phù hợp với việc nuôi nhốt, không cần chăn thả. Sau 6 tháng chăm sóc, bê lai đã đạt trọng lượng hơn 160 kg.

“Bò lai F1 BBB hiện đang được thương lái thu mua với giá cao hơn bò địa phương do có tỉ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt thơm ngon. Tôi rất kỳ vọng thu nhập của gia đình sẽ cao hơn nhờ giống bò mới này”, chị Diễn nói.

Tại huyện Hải Lăng, bằng chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, các tiến bộ KHKT trong TTNT đã được áp dụng để tạo ra các giống bò lai có năng suất, chất lượng cao như bò lai Zebu, bò lai BBB. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Hồ Quốc Minh thông tin, bình quân mỗi năm huyện Hải Lăng thực hiện phối giống bình quân từ 2.000 – 2.500 bò cái. Với thể trọng và tỉ lệ xẻ thịt vượt trội, trung bình mỗi con bò lai có giá bán cao hơn giống bò vàng địa phương từ 6 – 8 triệu đồng, tăng hơn 40% giá trị. Qua đó, đã thu hút gần 90% số hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện tham gia. Đặc biệt, với việc áp dụng phối tinh bò BBB với bò cái nền Zebu đã giúp tỉ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 thích nghi tốt với điều kiện môi trường, giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với các giống bò khác tại cùng thời điểm.

Ông Minh cho biết, để nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục có những chính sách khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp TTNT. Góp phần chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò từ phương thức quảng canh, chăn thả sang chăn nuôi theo hướng tập trung có đầu tư thâm canh, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của Trung tâm KN, tổng đàn bò toàn tỉnh hiện có khoảng 56.000 con, trong đó đàn bò cái sinh sản khoảng 17.000 con. Tỉ lệ đàn bò lai Zebu chiếm hơn 60% tổng đàn. Với mục tiêu cải tạo tầm vóc, sức sản xuất, nâng tỉ lệ đàn bò lai trên toàn tỉnh đạt 75% vào năm 2025 để có đàn nái nền đạt tiêu chuẩn phục vụ cho các hướng lai tiếp theo, trong những năm qua, Trung tâm KN tỉnh đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT sử dụng tinh bò đực giống nhóm Zebu sản xuất tại Việt Nam lai tạo với giống bò vàng địa phương hoặc bò lai Zebu 25%, 50%.

Bê lai sinh ra đã được cải tiến cơ bản một số nhược điểm của giống bò vàng địa phương như tầm vóc nhỏ, chậm phát triển, sức sản xuất thấp. Tạo được đàn bò lai ưu thế hơn hẳn về ngoại hình, sức sản xuất, tốc độ sinh trưởng. Trên cơ sở đó, trong 2 năm 2020 – 2021, Trung tâm KN tỉnh tiếp tục sử dụng tinh các giống bò thịt ngoại nhập như BBB, Reb Bramand, Red Angus… để thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp TTNT, để phối giống cho những bò cái lai Zebu chọn lọc, có tỉ lệ lai từ 50% trở lên nhằm tạo ra con lai F1 có giá trị kinh tế cao, trọng lượng thịt lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập.

Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Trần Cẩn cho biết, thông qua chương trình cải tạo đàn bò, trung bình mỗi năm đã có hơn 10.000 bò cái được phối giống bằng phương pháp TTNT và hơn 9.000 bê lai ra đời với tầm vóc vượt trội. Đối với bê lai nhóm Zebu trọng lượng sơ sinh đạt từ 19,5 – 22,5 kg/con, cao hơn 25 – 30% so với bê địa phương. Còn trọng lượng bê lai hướng thịt đạt đến 26 – 31 kg/con. Bê lai có ngoại hình đẹp, thích nghi tốt với môi trường sống, dễ nuôi, nhanh lớn.

Tốc độ tăng trọng trung bình từ 20 – 22 kg/ con/tháng đối với bê lai nhóm Zebu và từ 26 – 31 kg/con/tháng đối với bê lai nhóm hướng thịt. Sau 12 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng từ 230 – 250 kg đối với bò lai Zebu và 270 – 300 kg đối với bò hướng thịt. Với giá bán từ 21 – 30 triệu đồng thì hiệu quả kinh tế từ các giống bò lai cao gấp 2 – 2,5 lần so với giống bò vàng địa phương. “Với 9.000 bê lai ra đời mỗi năm từ chương trình cải tạo đàn bò, ước tính đã mang về nguồn thu cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gần 200 tỉ đồng”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, chương trình cải tạo đàn bò đã thể hiện tính ưu việt và là hướng đi đúng đắn trong công tác giống, thay thế giống bò vàng địa phương bằng giống bò lai Zebu đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Bên cạnh cải tạo tầm vóc, thể trạng, sức sản xuất, một thành công nữa của chương trình đó là đã thay đổi được tập quán và phương thức chăn nuôi, từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh có quản lý, hạn chế tối đa dịch bệnh. Từng bước hình thành vùng sản xuất bò giống, vùng chăn nuôi bò thịt, vỗ béo. Tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

“Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo Trung tâm KN tiếp tục mở rộng chương trình cải tạo đàn bò với số lượng bò cái phối giống hằng năm từ 10.000 con trở lên bằng phương pháp TTNT. Dựa trên nền bò lai Zebu làm tiền đề để tiếp tục lai tạo các giống bò cao sản hướng thịt có năng suất, chất lượng tốt. Hướng tới chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung theo quy mô trang trại. Đồng thời, nhân rộng chương trình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp TTNT. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cho đàn trâu, bò. Tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi”, ông Quốc cho biết thêm.

Lê An

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *