Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng, việc phát triển đàn bò lai gắn với mô hình trang trại là hướng đi phù hợp nhằm tạo bước đột phá trong chăn nuôi tỉnh Quảng Nam.
Trong một lần trò chuyện với tôi, Ngô Trọng Hoàng (ở xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) chia sẻ: “Tôi và một số thành viên đang xúc tiến thành lập hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò ngoại áp dụng công nghệ cao. Trong xu thế phát triển hiện nay, nếu nuôi bò cỏ vàng địa phương có tầm vóc nhỏ và năng suất thấp thì khó có lãi nhiều. Vì vậy phải mạnh dạn du nhập những giống bò ngoại về nuôi theo phương thức thâm canh”.
Chuyện của Hoàng khá thú vị. Nếu dự án này triển khai, đây là mô hình chăn nuôi bò ngoại đầu tiên ở Quảng Nam trên lĩnh vực kinh tế hợp tác.
Nói là làm, ngày 6.10.2019, HTX Chăn nuôi công nghệ cao Gò Nổi do Ngô Trọng Hoàng làm Giám đốc ra mắt và đi vào hoạt động. Hoàng cho biết, ngay sau khi thành lập, HTX thuê 2ha đất ở thôn Bến Đền (xã Điện Quang, Điện Bàn) xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố theo phương thức khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.
Hơn 2 năm qua, bình quân mỗi năm đơn vị thả nuôi vỗ béo 200 – 300 con bò ngoại, trong đó 80% là giống bò 3B từ Bỉ và 20% là giống bò Charolais có nguồn gốc từ Pháp. Thức ăn cho bò chủ yếu là bã đậu nành và dặm thêm những phế phụ phẩm nông nghiệp.
“Khi nhập 2 giống bò ngoại đó về thả nuôi, mỗi con có độ tuổi trung bình 3 – 4 tháng, trọng lượng 150 – 170 kg hơi và giá mua khoảng 20 – 23 triệu đồng. Sau khi nuôi vỗ béo 10 – 12 tháng có thể xuất chuồng khi trọng lượng mỗi con đã đạt 450 – 500 kg hơi, với giá bán 45 – 50 triệu đồng. Bình quân mỗi con bò ngoại cho mức lãi ròng 10 triệu đồng” – Hoàng cho biết.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, những năm gần đây người dân trên địa bàn tập trung lai hóa đàn bò gắn với phát triển mô hình trang trại và gia trại.
Tính đến cuối năm 2021 tổng đàn bò của Điện Bàn khoảng 23.400 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 78%. Hiện nay, toàn thị xã có 250 mô hình nuôi bò lai thâm canh với số lượng 5 – 9 con, hơn 40 mô hình nuôi 10 – 20 con và 17 mô hình nuôi 25 – 50 con, chỉ có 3 mô hình nuôi 50 – 300 con.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y thông tin, thời điểm này tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh là 173.200 con. Những năm qua, nhờ ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người chăn nuôi cải tạo chất lượng con giống nên hiện tỷ lệ bò lai của Quảng Nam chiếm hơn 70% tổng đàn, trong đó chủ yếu là các nhóm bò lai Zêbu, 3B, Charolais…
Hiện toàn tỉnh có 36 trang trại nuôi bò lai thâm canh với quy mô vừa và lớn, mỗi năm giá trị sản xuất của một mô hình đạt từ 1 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, tại các địa phương của tỉnh có khoảng 1.500 gia trại thả nuôi 5 – 12 con bò theo phương thức vỗ béo và sinh sản, hằng năm thu lãi ròng 80 – 170 triệu đồng/mô hình. Đó là những con số ấn tượng với những nhà nông đang trên hành trình hiện đại hóa trong sản xuất..
Mai Nhi