Trại nuôi heo rừng của anh Võ Thành Đạt, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định hiện có hơn 20 con được nuôi theo hướng an toàn sinh học nên sinh trưởng tốt, đem lại cho gia đình mỗi năm gần 100 triệu đồng tiền lãi.
Anh Đạt chia sẻ: Giống heo rừng sống trên núi Bà được người dân trong xã thuần hóa, nuôi dưỡng nhiều năm nay. Giống này có nhiều ưu điểm là sức đề kháng cao, ít bệnh tật, ăn được nhiều loại thức ăn; thịt heo thơm ngon, nhiều nạc, được thị trường ưa chuộng. Vài năm gần đây, tôi áp dụng nuôi heo hướng an toàn sinh học, hiệu quả mang lại cao hơn và thu nhập cũng ổn định hơn.
Anh Võ Thành Đạt chăm sóc đàn heo con được nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Hồng Hà
Mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học được anh Đạt áp dụng là cho heo ăn thức ăn khô (bắp, khoai, cám gạo) kết hợp nguồn đạm (đậu các loại, trùn quế, cá khô) và rau xanh (thân cây bắp, chuối, các loại rau, đu đủ), đặc biệt bổ sung các loại thảo dược (hoàng ngọc, nhọ nồi, khổ sâm) để heo có sức đề kháng tốt. Bên cạnh đó, heo được nuôi trên đệm lót sinh học làm từ men vi sinh, trấu và bột mì, giúp tạo vi khuẩn có lợi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, đàn heo được bảo đảm an toàn trong các đợt dịch vừa qua.
Từ thực tế chăn nuôi của mình, anh Đạt xây dựng quy trình chăn nuôi heo rừng theo hướng an toàn sinh học và vận động một số bà con tham gia. Đến nay ở Cát Hưng đã có khoảng 20 hộ nuôi heo rừng theo hướng an toàn sinh học tương tự anh Đạt.
Anh Nguyễn Thanh Duy, người ở cùng xã, chia sẻ: Giống heo rừng núi Bà rất khỏe, phàm ăn, giờ được chăm sóc kỹ hơn nên heo sinh trưởng và phát triển nhanh. Nuôi heo theo quy trình an toàn sinh học tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp nên giảm đáng kể chi phí chăn nuôi và công chăm sóc.
Nhằm tìm đầu ra ổn định cho heo rừng địa phương, anh Đạt liên kết với các hộ chăn nuôi để cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi heo rừng và bao tiêu sản phẩm.
Hồng Hà
Nguồn: Báo Bình Định