Thời điểm này, đàn heo, gà trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có số lượng cao nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ thị cho các đơn vị, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi.
Nguy cơ phát sinh dịch bệnh
Trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên bò xảy ra tại 3 hộ ở Cam Ranh làm 9 con bò mắc bệnh; cúm gia cầm xảy tại 2 hộ ở Diên Khánh, số lượng tiêu hủy 933 con; bệnh ASF xảy ra tại 18 hộ ở 5 địa phương với số lượng heo buộc tiêu hủy 430 con (khối lượng gần 20 tấn); bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên toàn tỉnh với 781 hộ có 1.190 con bò mắc bệnh, phải tiêu hủy 92 con (khối lượng 10.128 kg).
Lực lượng thú y kiểm tra công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh tại một trang trại nuôi heo ở huyện Cam Lâm.
Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, những tháng tới, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi rất cao. Trong đó, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò có đường truyền lây phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt lây lan thông qua các véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng). Vi rút gây bệnh ASF trên đàn heo khả năng cao vẫn còn tồn tại ở ngoài môi trường và trong đàn heo. Loại bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật… tăng mạnh kéo theo nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh tăng lên. Cùng với đó, điều kiện môi trường giai đoạn này có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và tồn tại lâu dài nhưng lại khiến cho sức đề kháng của vật nuôi bị giảm sút.
Tập trung phòng dịch
Từ đầu năm đến nay, trên cả nước, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xảy ra tại 53 tỉnh, thành phố, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Cúm gia cầm xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, đặc biệt từ giữa tháng 6 xuất hiện chủng vi rút A/H5N8 đã lây lan tại 10 tỉnh, thành phố khiến các địa phương buộc phải tiêu hủy hơn 23.440 con gia cầm. Bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố; bệnh viêm da nổi cục trâu bò xảy ra 4.290 ổ dịch ở 55 tỉnh, thành phố khiến tổng số gia súc mắc bệnh 206.854 con, số gia súc đã tiêu hủy hơn 28.900 con.
|
Để chủ động kiểm soát, không để dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra trên diện rộng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đảm bảo trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm phòng các loại dịch bệnh như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh…. Các sở, ngành, địa phương tập trung giám sát chặt chẽ dịch bệnh, kịp thời xử lý ổ dịch, không để lây lan diện rộng; kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ tốt các quy định về an toàn chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
Theo ông Lê Thắng, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 350.000 con heo, 2,8 triệu con gia cầm. Đây là giai đoạn người chăn nuôi duy trì đàn vật nuôi ở mức cao nhằm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng với việc tăng cường các nhiệm vụ thường xuyên, ngày 2-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Đợt tổng vệ sinh này thực hiện từ ngày 10-12 đến 10-1-2022 tại 126 xã, phường có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh. Theo đó, cơ quan chức năng cùng với người chăn nuôi sẽ phát quang, làm sạch khu vực chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm; tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi tuân thủ các yêu cầu vệ sinh phòng dịch. Nhà nước hỗ trợ 6.300 lít hóa chất và công phun tại những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, các địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Các trang trại chăn nuôi, cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tự mua hóa chất để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi của mình và có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Hồng Đăng
Nguồn: Báo Khánh Hòa