Bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung

(Người Chăn Nuôi) – Các doanh nghiệp và địa phương cho biết, còn nhiều khó khăn trong vận chuyển, giá cả, tiêm vaccine… cần được sớm giải quyết để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

ông nguyễn huy đăngÔng Nguyễn Huy Ðăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết

Hiện, hàng loạt trang trại chăn nuôi tại Hà Nội đã được tuyên truyền phổ biến và chuyển đổi mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi (VietGAHP). Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn còn khó khăn. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, những chính sách vay vốn ưu đãi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho việc hình thành các chuỗi liên kết quy mô lớn cũng cần được chú trọng hơn. Ðề nghị Bộ NN&PTNT có định hướng chiến lược về nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời đề nghị Bộ hỗ trợ Hà Nội định hướng, xây dựng được những chợ đầu mối chuyên ngành để tiêu thụ sản phẩm cho hộ chăn nuôi.

 

ông vũ anh tuấnÔng Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vaccine

Tuân thủ thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, C.P. Việt Nam thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, Công ty đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 nhằm kiểm tra đầu vào, đảm bảo an toàn cho người lao động trước khi chính thức thực hiện. Nhằm đảm bảo các điều kiện thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, Công ty đã bố trí, sắp xếp những khu vực theo nơi sản xuất của công nhân phù hợp, đồng thời hỗ trợ các vật dụng cần thiết cho người lao động nhằm vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, vừa làm sao để người lao động làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái, giúp yên tâm đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí thực hiện “3 tại chỗ” rất lớn, nhiều chi phí khác cũng tăng lên. Doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT của nhiều tỉnh tác động để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vaccine, nhất là vaccine cho lái xe vận chuyển.

 

ông trần lâm sinhÔng Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ðồng Nai: Ðẩy mạnh lưu thông, luân chuyển hàng hóa

Là địa phương có vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước, dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tình hình chăn nuôi của Ðồng Nai vẫn phát triển ổn định với 2,4 triệu con heo, 2,3 triệu con gà, 7,1 triệu con chim cút, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 30.000 tấn thịt heo, 20.000 tấn thịt gia cầm… Dự báo về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường các tháng cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán, riêng trên địa bàn Ðồng Nai, tổng đàn heo vẫn duy trì được 80 – 90%. Tuy nhiên, nguồn cung thịt gà có thể sẽ thiếu, nhất là gà ta vì hiện tại nhiều công ty đang bán trứng giống thành trứng thương phẩm. Từ thực tế này, kiến nghị các địa phương có giải pháp giải phóng lưu thông, đẩy mạnh luân chuyển hàng hóa, từ đó có thể tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, giảm giá cho người tiêu dùng.

 

bà phạm thị huânBà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân: Cần tạo điều kiện tiêm vaccine cho công nhân

Ðể thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, những người lao động đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong chuỗi giá trị sản xuất, từ đó có vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất. Do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, nhiều địa phương chưa được ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là ưu tiên tiêm vaccine. Từ đó dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Hầu hết công nhân của Công ty hiện đã tiêm vaccine mũi 1 trên 2 tháng rồi, có người 3 tháng mà chưa được tiêm mũi 2. Nếu không có vaccine thì dù có thêm lương, thưởng cao đến mấy, Công ty cũng chỉ giữ được nhiều nhất là 50% lượng công nhân làm việc.           

         Vũ Mưa

         (Ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *