Xử lý sót nhau cho heo nái sau sinh

(Người Chăn Nuôi) – Sót nhau thai là bệnh sản khoa thường gặp ở heo nái sinh sản. Bệnh không lây lan, nhưng nó có thể gây viêm, hoại tử tử cung, rối loạn chức năng hoặc làm mất khả năng sinh sản của heo.

Nguyên nhân gây bệnh

– Do khẩu phần ăn của heo nái giai đoạn mang bầu thiếu dinh dưỡng: Protein, khoáng, vitamin trong thời gian dài làm cho cơ thể gầy yếu, nên khi đẻ xong không còn đủ sức đẩy nhau ra bên ngoài.

– Khẩu phần ăn của heo nái giai đoạn cuối quá nhiều so với tiêu chuẩn, heo nái quá mập, thai quá to, dẫn đến đẻ khó.

– Heo nái mang nhiều thai (15 – 17 con), khi rặn đẻ bị kiệt sức nên không đủ sức rặn đẩy nhau ra ngoài.

– Heo nái bị mắc các chứng bệnh truyền nhiễm, bệnh nội khoa mãn tính, dẫn đến nái bị suy nhược cơ thể, sức khỏe yếu.

– Heo nái bị viêm niêm mạc tử cung trước khi đẻ, rối loạn nội tiết tố sinh dục.

– Do người nuôi chưa có kinh nghiệm nên xử lý vội vàng làm cho nhau thai bị đứt sót lại trong tử cung: Heo con vừa mới sinh ra đã dùng tay kéo mạnh ra bên ngoài.

– Heo nái quá già (> 8 lứa) sức khỏe không còn được dẻo dai nên khi đẻ bị đuối sức, tử cung co bóp yếu, không đẩy được nhau ra bên ngoài.

xử lý sót nhau thai

 

Triệu chứng

Quan sát số lượng heo con sinh ra và số lượng bánh nhau sẽ biết được heo nái đã ra hết nhau hay chưa: Một phần nhau thai hoặc toàn bộ nhau thai lưu lại trong tử cung nên quan sát thấy đường sinh dục có cuống nhau hoặc một phần nhau thai.

Con vật rặn nhiều. Trạng thái không yên tĩnh, có thể không cho con bú, mép âm hộ có dịch màu hồng chảy ra. Heo mẹ mệt mỏi, ăn uống kém. Heo sốt cao 41 – 420C. Giai đoạn sau dịch viêm chảy ra nhiều, màu nâu sẫm, tanh hôi, lẫn những mảnh nhau bị phân hủy.

 

Phòng bệnh

Chăm sóc nái mang thai tốt, đặc biệt là thời kỳ chửa cuối (84 – 114 ngày) với khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng (protein, khoáng chất, vitamin). Kịp thời điều trị các chứng bệnh có liên quan đến giảm trương lực cơ trơn co bóp tử cung, tổn thương vùng chậu, đau chân, bệnh đẻ khó. Đối với các trang trại có quy mô lớn và trung bình cần quan tâm kỹ đến cơ cấu đàn: Nên loại bỏ sớm các nái già sức khỏe yếu (> 9 lứa). Quan tâm kỹ hơn đến khâu đỡ đẻ: Vệ sinh sạch sẽ heo nái trước, trong và sau khi đẻ. Đối với nái già > 6 lứa, sau khi đẻ được khoảng 8 – 10 con mà sức rặn yếunên bổ sung thêm 2 ml Oxytocine/nái để kích thích co bóp tử cung.

Đối với nái đẻ bình thường: Cho nái đẻ tự nhiên, không vội vàng can thiệp. Để nhau thai ra tự nhiên, không dùng tay lôi, kéo khi thấy nhau thai vừa mới nhú ra mép âm hộ phòng nhau thai bị đứt và sót trong tử cung.

 

Điều trị bệnh

– Thụt rửa tử cung cho con vật bằng thuốc tím 0,1% liều 2 – 4 lít/con.

– Tiêm Oxytocine liều 10 – 20 UI/con tiêm bắp cho heo một lần.

– Tiêm kháng sinh đề phòng nhiễm trùng tử cung và toàn thân: Ampicilin 500 liều 7 – 10 mg/1 kg trọng lượng cơ thể, Licomycin 10% 1 ml/10 kg trọng lượng cơ thể vào bắp thịt cho con vật ngày 2 lần mỗi lần cách nhau 6 – 8 giờ.

– Đặt hoặc bơm kháng sinh vào tử cung đề phòng viêm tử cung: Penicillin, Ampicillin, Tetracyclin trong 3 ngày liên tiếp.

Phương Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *