(Người Chăn Nuôi) – COVID-19 xuất hiện, nhiều trại trứng gà tại New Zealand rơi vào thảm cảnh do bí đầu ra. Trong tình cảnh đó, Wairarapa, một trại trứng gà ở Carterton đã tìm ra giải pháp hiệu quả để vượt khủng hoảng thừa nguồn cung.
Thừa nguồn cung do đâu?
New Zealand là một trong những quốc gia có chiến lược xử lý khủng hoảng COVID-19 tốt nhất thế giới. Mặc dù vậy, các đợt phong tỏa nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới đã tạo hiệu ứng lan truyền toàn bộ nền kinh tế, làm lộ diện và trầm trọng hơn một vấn đề đã tồn tại đó là dư thừa nguồn cung trứng gia cầm.
Một số đợt mua sắm hoảng loạn trong những ngày đầu tiên của đợt phong tỏa đã xóa bỏ phần nào áp lực lên nguồn cung trứng gia cầm nhưng không kéo dài trước khi thị trường gia cầm bị bão hòa hoàn toàn. Trước bối cảnh đó, Chris Martin, một nông dân sản xuất trứng gia cầm tại Wairarapa, tại Carterton phía Bắc New Zealand đã nhanh chóng tìm lối thoát mới.
Trang trại trứng gia cầm Wairarapa vẫn hoạt động trước bối cảnh Covid-19
Chris cho biết, đàn gia cầm của cả nước quá lớn. Nếu không có khách du lịch và kênh dịch vụ ẩm thực thì ngành trứng gia cầm nội địa sẽ sụp đổ. New Zealand đã phản ứng tích cực và sớm ứng phó với COVID-19. Đợt phong tỏa đầu tiên gây ra làn sóng mua sắm hoảng loạn giúp hấp thụ phần nào lượng nhỏ trứng gà bị dư thừa đầu tiên. Nhưng khó khăn nữa là New Zealand đang trong quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang nuôi thả tự do đảm bảo phúc lợi động vật. Việc các công ty lớn đều tuyên bố sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình nuôi thả tự do vào năm 2025 cũng tạo ra một “địa chấn” cho toàn ngành trứng gia cầm New Zealand khi người tiêu dùng từ chối trứng gà nuôi nhốt lồng để chuyển sang các sản phẩm trứng gà hạnh phúc.
Đến cuối năm 2019, giá trứng gà nuôi nhốt chuồng vẫn rất cao. Do giá bán vẫn tốt nên đại đa số trang trại không chuyển đổi sang mô hình nuôi cải tiến. Chính điều này đã dẫn đến khủng hoảng thừa nguồn cung. Do đó, dự báo tổng đàn gia cầm của cả nước giảm 15% đã không xảy ra. Lúc mới bắt đầu xuất hiện COVID-19, Chris và nhiều trại gia cầm yên tâm rằng họ sẽ an toàn trước đại dịch. Nhưng phong tỏa kéo dài cùng sự đóng cửa của hàng loạt tiệm cafe, bánh ngọt và nhà hàng đã khiến nguồn cung trứng cho kênh dịch vụ ẩm thực bị dư thưa nghiêm trọng khiến nhà sản xuất phải hạ giá bán để kích cầu.
Nuôi gà thả tự do
Chris mua trang trại cách đây 8 năm. Vào thời điểm đó, trang trại có 15.000 chuồng gà và 1 trại nuôi gà thả tự do thực chất là một khu đất trống quanh trang trại. Cách đây 4 năm, Chris đã đóng cửa khu chăn thả tự do này để xây một trang trại nuôi gà thả rông quy mô 24.000 con tại Carterton, tổng diện tích 13 ha. Số gia cầm trên được chia thành 6 đàn nuôi trong 3 khu nhà rộng lớn. Chris không xây chuồng nuôi bằng gạch hay vữa truyền thống như đại đa số các trại khác mà thay vào đó là các chuồng nuôi có đường hầm lộ thiên bằng vải bạt nhằm tạo dựng một trại nuôi gà thả rông với chi phí thấp nhất có thể.
Tỷ lệ gà đẻ trứng tại trang trại của Chris trung bình khoảng 84%. Tất cả khu chuồng nuôi được kết nối tới kho xưởng phân loại trung tâm bằng băng tải tự động. Trung tâm này là nơi xử lý và đóng gói 10.000 quả trứng/giờ. Trứng nứt nhưng lớp màng còn nguyên sẽ được xử lý thêm để tạo thảnh sản phẩm nguyên vẹn để bán cho các tiệm làm bánh. Trứng bị vỡ hoặc quá bẩn được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Các trang trại gà thả rông tại New Zealand thường nhỏ và cũ, nên mức độ đầu tư về công nghệ giữa các nông dân khá thấp. Tại Wairarapa, Chris đã chi mạnh tay cho công nghệ để giám sát lượng sử dụng thức ăn. Dù không tinh xảo như các trang trại nuôi gà lông trắng trong lồng, nhưng ít nhất Chris không còn lo lắng về giám sát môi trường và quạt nhờ thông khí tự nhiên. Wairarapa chủ yếu sử dụng gia cầm Hyline Brown vì thích hợp hơn với mô hình nuôi mới.
Quản lý khủng hoảng thừa
Gia cầm thường được giết mổ tại Wairarapa Eggs vào khoảng 80 tuần tuổi. Tuy nhiên, do nguồn cung trứng quốc gia đang dư thừa nên quy mô đàn gia cầm quốc gia dường như quá lớn, buộc Chris phải giết sớm hơn 2,5 tháng. Đây được xem là giải pháp liều lĩnh khi không còn cách nào khác. Chi phí thức ăn chăn nuôi tại quốc đảo luôn cao hơn các nơi khác trên thế giới và New Zealand không ngoại lệ. Giá thức ăn tại đây khoảng 710 USD/tấn và những trại như Chris thường mua thức ăn từ các nhà máy quanh vùng. Giá trứng luôn là chủ đề nhạy cảm tại New Zealand, nhưng trung bình nông dân thu về 3,5 – 4,5 USD/tá trứng đóng trong khay hoặc hộp kích thước khác nhau. Thậm chí New Zealand đã kiểm soát tốt COVID-19 ngay từ đầu, nhưng kênh dịch vụ ẩm thực đến nay vẫn bị ảnh hưởng.
Mi Lan
Theo InternationalPoultry