Người dân vùng cao thay đổi tư duy chăn nuôi hàng hóa

Thời gian qua, với việc chuyển từ chăn nuôi trâu, bò theo phương thức truyền thống sang hướng sản xuất hàng hóa, người dân huyện vùng cao Võ Nhai (Thái Nguyên) đã có thu nhập ổn định.

Trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai, trâu, bò được nuôi nhiều nhưng chủ yếu để lấy sức kéo. Đa phần người dân thả rông trâu, bò trên núi, chứ chưa chú trọng làm chuồng trại hay trồng cỏ để làm thức ăn. Tập quán chăn nuôi này khiến gia súc còi cọc, dễ mắc các loại bệnh và bị chết rét vào mùa Đông.

Tuy nhiên, đây đã là câu chuyện của nhiều năm về trước. Hiện nay, người dân đã thay đổi tư duy, nhiều hộ chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản.

Như gia đình chị Hoàng Thị Công, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng. Cách đây 3 năm, vợ chồng chị được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi trâu. Từ đó đến nay, trong chuồng nhà chị luôn duy trì 4 – 6 con trâu. Với việc nuôi trâu theo hướng vỗ béo, mỗi năm, gia đình chị có thu nhập 30 – 50 triệu đồng.

nuôi trâu

Gia đình chị Hoàng Thị Công, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã chuyển sang nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng, thay vì chăn thả như trước đây.

Chị Công cho biết: Điều quan trọng nhất trong việc nuôi trâu vỗ béo là nguồn thức ăn phải dồi dào. Do vậy, để chủ động thức ăn cho trâu, gia đình tôi đã chuyển đổi 3 sào trồng các loại cây hiệu quả kém sang trồng cỏ voi. Ngoài ra, tôi còn cho trâu ăn thêm ngô, khoai, sắn… Nếu vỗ béo đúng kỹ thuật thì trọng lượng con trâu có thể tăng 10 – 15 kg/tháng và sau 4 – 5 tháng có thể xuất chuồng.

Còn tại Mỏ Chì, mặc dù là xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Cúc Đường, nhưng đây cũng là xóm có tổng đàn trâu, bò lớn nhất xã, với hơn 300 con. Anh Lý Văn Lùng, Phó xóm Mỏ Chì, chia sẻ: Xóm có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, vì thế trong những năm qua, ngoài việc mượn ruộng để trồng cấy, bà con cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Hầu hết các hộ trong xóm đều nuôi trâu, bò, nhà ít thì một vài con, nhà nhiều có cả chục con. Như nhà tôi hiện nuôi 5 con bò sinh sản, cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, hàng năm, đàn trâu, bò trên địa bàn đều có sự gia tăng về số lượng. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của huyện là 8.900 con (trong đó có 4.800 con trâu và 4.100 con bò), tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc, như: Sảng Mộc, Thượng Nung, Cúc Đường…

Xác định chăn nuôi gia súc là một trong những nguồn thu nhập chính của bà con vùng cao nên các xã, thị trấn và ngành chức năng của huyện đã tích cực hỗ trợ người dân trong quá trình chăn nuôi. Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, cho biết: Chính quyền xã đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phát triển chăn nuôi. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tận dụng những diện tích đất bỏ hoang và chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Nhờ đó, tổng đàn trâu, bò của xã đến nay đạt gần 1.000 con, diện tích trồng cỏ khoảng 25ha.

Theo bà Nông Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai: Chúng tôi chỉ đạo cán bộ thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy trong chăn nuôi gia súc. Hướng dẫn bà con cách xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh cũng được triển khai thường xuyên…

Việc chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa không chỉ giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân mà còn đóng góp không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo của huyện Võ Nhai. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, đến nay số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2.269 hộ (giảm 628 hộ so với năm 2022).

Vũ Công

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *