Ngày 12-12, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Yến sào Việt Nam tổ chức hội nghị Yến sào Đồng Nai – hướng tới phát triển bền vững.
Hội nghị có sự tham gia của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn một số tỉnh, thành có nhiều cơ sở nuôi chim yến.
Hội nghị Yến sào Đồng Nai – hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Hoàng Lộc
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng nhà nuôi yến lớn nhất vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Năm 2019, tỉnh có 610 nhà nuôi yến nhưng đến nay đã tăng lên gần 1,4 ngàn nhà nuôi yến. Cơ sở nuôi yến tập trung nhiều ở các huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh. Sản lượng tổ yến năm 2023 đạt khoảng 15 tấn/năm.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay tỉnh có 35 cơ sở sơ chế/chế biến tổ yến, trong đó 14 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 4 sản phẩm yến sào đạt chứng nhận OCOP. Nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị để tham gia xuất khẩu sản phẩm yến sang Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Theo ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nuôi chim yến là một trong những ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện bình quân Việt Nam sản xuất khoảng 150-200 tấn tổ yến/năm. Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký, có hiệu lực từ tháng 11-2022 đã mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu chính ngạch tổ yến, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển nghề nuôi chim yến của cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Bên cạnh những cơ hội mở ra thì nghề nuôi chim yến cũng sẽ gặp phải không ít thử thách, khó khăn trong thời gian tới.
Đại diện Cục chăn nuôi đánh giá hiện trạng phát triển nghề nuôi chim yến cả nước, đề xuất giải pháp phát triển bền vững và thúc đẩy tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết… đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm. Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, hội nghị cũng phân tích cơ hội, tiềm năng, lợi thế và thách thức của ngành nuôi chim yến các địa phương, doanh nghiệp có giải pháp, định hướng phát triển phù hợp.
Hoàng Lộc
Nguồn: Báo Đồng Nai