Hỏi đáp: Dịch tả heo châu Phi

Xin cho biết Dịch tả heo châu Phi (ASF) lây qua đường gì và cách phòng trị như thế nào?

Trả lời:

Đây là một bệnh truyền nhiễm do Myxovirus chứa AND gây ra, có khả năng lây lan nhanh và bệnh có thể tồn tại nhiều năm. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh này. Virus có sức sống khá tốt: Trong máu 6 năm nếu bảo quản lạnh, trong phân ẩm 122 ngày. Tỷ lệ mắc bệnh và chết cao tới 100%. Virus nhạy cảm với các chất sát trùng: Formol 2%, NaOH 3 – 4% và các loại thuốc sát trùng. Bệnh xảy ra quanh năm. Heo nhà, heo rừng đều mắc bệnh. Mọi lứa tuổi đều mắc bệnh. Bệnh có một số biểu hiện đặc trưng như thâm tím da phần lớn cơ thể, viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba và nhiều cơ quan nội tạng. Thời gian ủ bệnh 5 – 10 ngày. Sốt cao 41 –  420C, kéo dài liên tục 4 ngày với thể trạng bình thường. Sau đó heo ủ rủ, lờ đờ, suy nhược, ho thở khó; run, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau, nái thì sảy thai.

Bệnh lây lan theo một số con đường, cụ thể: Qua thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo như thịt heo tươi, thịt heo đông lạnh, thịt chua, nem chua, giò chả, thịt hun khói, xúc xích, giăm bông và các sản phẩm chế biến từ thịt. Lây lan qua xe thu mua phân, xe mua heo chết, xe cám, xe chở heo con, xe thuốc, xe của công nhân, kỹ sư, xe các cấp lãnh đạo, xe chủ trại, xe khách thăm quan và xe chở vật dụng. Lây lan qua nguồn nước, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, bao gồm máng ăn, vòi phối, ống tinh, đan nhựa, đan bê tông, mô tơ, máy bơm, dầu, mỡ, bi, trục, dây curoa và vật liệu xây dựng, cũng có thể tồn tại trong nước sông, suối, ao, hồ… Lây lan qua vật chủ trung gian: Mặc dù ASF theo khuyến cáo của OIE không lây sang người và các vật nuôi khác nhưng người và vật nuôi khác lại có thể mang mầm bệnh và lây nhiễm sang heo. Cụ thể, bệnh lây lan qua ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu. Ngoài ra, bệnh còn dễ lây lan qua công nhân, kỹ sư, thợ điện, các cấp lãnh đạo, quản lý trại, chủ trại, bảo vệ, người làm vườn, lái xe, người vận chuyển heo, khách tham quan… thông qua bảo hộ lao động như quần áo bẩn, ủng bẩn. Do đó, cần trang bị ủng mỗi người 2 đôi, quần áo mỗi người 3 bộ, có người tạp vụ, có máy giặt quần áo, có khu phơi quần áo và nên chia màu áo cho từng khu vực. Lây lan từ các trang trại xung quanh: Nguy cơ lây lan rất cao từ các trang trại, khu nuôi heo xung quanh do dùng chung nguồn nước, tiếp xúc trực tiếp, chó mèo, ruồi, chuột, gió. Vì vậy, cần xây hàng rào cao, cấm trại tiếp xúc trại bên ngoài, không sử dụng chung nguồn nước, không chung nguồn xả thải các trại xung quanh. Các con đường lây lan khác như: Lây lan qua nái hậu bị mang mầm bệnh không phát hiện ra hoặc trên đường đi vận chuyển tiếp xúc với dịch. Để hạn chế nguồn lây lan này cần xét nghiệm hậu bị trước khi nhập, nuôi cách ly tập trung bên ngoài trại, chuồng cách ly đảm bảo tiêu chuẩn, có người nuôi cách ly riêng, thời gian nuôi cách ly và mật độ nuôi đúng quy định.

Biện pháp phòng bệnh: Trước hết cần tăng cường sát trùng cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, khu xử lý heo chết… Cổng xuất và cổng nhập phải có hố sát trùng, mỗi đầu trại phải có hố sát trùng và thay nước hàng ngày. Phương tiện ra vào trại cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào trại. Hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết. Hạn chế tối đa người vào trại, khi vào phải qua nhà sát trùng. Nhập heo có nguồn gốc rõ ràng, phải có khu riêng nuôi cách ly heo mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập heo. Giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn heo hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này. Heo bệnh chết phải tiêu độc, chôn sâu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *