Những ngày gần đây, các hộ nuôi bò sữa tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng và các xã Tu Tra, Quảng Lập, Ka Đô, huyện Đơn Dương đang lo lắng, đứng ngồi không yên khi đàn bò bị bệnh tiêu chảy, sốt, rồi chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Bò tiêu chảy rồi chết sau khi tiêm vắc xin
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh năm 1978, là một hộ nuôi bò ở Bồng Lai, cho biết: “Nhà tôi có 17 con bò sữa, cách đây 1 tuần, cán bộ thú y của xã có đến chích ngừa vắc xin viêm da nổi cục (VDNC) cho cả 17 con. 2 năm trước, năm nào nhà tôi cũng chích ngừa VDNC cho đàn bò, nhưng không bị tình trạng như thế này. Năm nay, sau khi chích ngừa xong được 7 ngày, đàn bò của nhà tôi bắt đầu bỏ ăn, nhưng lúc đó tôi không phát hiện ra; đến khi bò phát ra đi ỉa chảy, rồi ỉa ra máu thì không còn cứu chữa kịp nữa. Từ hôm qua đến chiều hôm nay (6/8) đàn bò đã chết lần lượt 2 con và với tình trạng như thế này, thì số bò chết sẽ không dừng lại ở đây”.
Tương tự, ông Lê Đình Thục, tổ 11, thôn Bồng Lai cũng cho biết: “Nhà tôi có 20 con bò, đợt vừa rồi xã có tổ chức đoàn đến chích ngừa cho đàn bò trong thôn, nhà tôi cũng chích hết 16 con, riêng 4 con còn lại do đang có bầu nên không chích, như khuyến cáo của ngành chức năng. Sau 9 ngày kể từ ngày chích vắc xin, những con bò tiêm vắc xin đều bị tiêu chảy, ăn ít lại và sữa thì bị giảm hẳn một nửa; riêng 4 con không chích vắc xin thì vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Sau khi được báo, chính quyền địa phương cũng tới thăm nắm chuồng trại, nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào, nên chúng tôi phải tự mua thuốc theo thói quen, kinh nghiệm tại đại lý thuốc thú y như thuốc kháng sinh, vitamin C, với tâm lý “hên xui”, chứ cũng chưa thật sự thấy có hiệu quả gì!”.
Ngồi buồn bã bên con bò sắp chết, bà Lê Thị Ánh Hồng, tổ 19, thôn Bồng Lai, cho biết: “Đàn bò nhà tôi có 26 con thì chích vắc xin hết 26 con từ ngày 25/7, chỉ có 2 con bê còn nhỏ nên không chích. Sau 10 ngày chích ngừa, giờ thì đã có 10 con đã bị bệnh, cũng chung triệu chứng như các hộ gia đình khác, bỏ ăn, đi ỉa chảy, sản lượng sữa sụt giảm và giờ thì có một con đang sắp chết; còn những con còn lại không biết ra sao. Mấy hôm nay nhà tôi cũng mua thuốc để điều trị nhưng không cứu nổi đàn bò. Không chỉ tiêng gia đình tôi mà đa phần người dân nuôi bò sữa ở Bồng Lai đều vay ngân hàng để nuôi bò; riêng nhà tôi, tôi đang vay ngân hàng gần cả tỷ đồng, nên tiền ăn, tiền uống, tiền gốc, lãi ngân hàng… đều trông chờ hết vào đàn bò, giờ bò bị như vầy, tôi không biết phải làm sao”.
Theo ông Phạm Văn Hiếu – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, toàn thôn Bồng Lai có 146 hộ đang nuôi bò, với tổng đàn bò là gần 3.500 con, trong đó, đàn bò sữa là hơn 2.800 con. “Đợt vừa rồi, theo kế hoạch tiêm phòng cho đàn bò được triển khai trên đàn bò của xã là từ ngày 22 – 31/7. Sau khi tiêm phòng từ 7 – 10 ngày thì bò của người dân trên địa bàn bắt đầu có hiện tượng bỏ ăn, sau đó thì xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, đi ỉa ra nước, rồi chuyển sang đi ỉa ra máu, rồi bò sẽ chết. Đó là hiện trạng chung của những con bò đã được chích ngừa; riêng những hộ không tiêm vắc xin cho bò thì không có hiện trạng như trên và trong cùng một hộ, con nào tiêm phòng, thì mới bị như vậy, còn con nào không tiêm thì vẫn bình thường. Hiện tại, có trên 80% hộ nuôi bò trên địa bàn thôn đã tiêm ngừa vắc xin VDNC cho bò, và đến thời điểm này, ngoài việc sản lượng sữa giảm sút, hàng ngày, người dân còn phải thuốc men cho bò rất nhiều, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế của người dân. Tính đến chiều 6/8, đã có trên 20 con bò bị chết và hơn 2.000 con bò đang bị ảnh hưởng”.
Sẽ điều tra dịch tễ, lấy mẫu vắc xin xét nghiệm
Trước tình trạng trên, sáng ngày 7/8, UBND xã Hiệp Thạnh đã tổ chức cuộc gặp gỡ nông dân nuôi bò trên địa bàn. Cuộc họp có sự tham gia của các ông: Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Phạm Phi Long – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh. Về phía huyện có ông Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng lãnh đạo xã Hiệp Thạnh và đông đảo người dân nôi bò của thôn Bồng Lai.
Tại cuộc họp, đa số ý kiến của người dân nuôi bò thôn Bồng Lai đều cho rằng bò bị bệnh sau khi chích vắc xin VDNC từ 7-10 ngày, với các triệu chứng như bỏ ăn, tiêu chảy ra nước, rồi tiêu chảy ra máu và chết.
Ông Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, phát biểu tại cuộc họp
Sau khi nghe ý kiến của bà con, ông Phạm Phi Long – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy tỉnh, cho biết: Theo báo cáo từ các Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tính đến thời điểm hiện tại, đang có huyện Đơn Dương và huyên Đức Trọng bị tình trạng trên. Cụ thể, huyện Đơn Dương xảy ra ở Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra, Đạ Ròn và ở huyện Đức Trọng thì xảy ra ở huyện Đức Trọng.
“Tính đến chiều ngày 6/8, trên địa bàn toàn tỉnh đã chết 68 con bê và bò. Ngay từ khi nhận được thông tin có dịch tiêu chảy xảy ra trên đàn bò, Chi cục Chăn nuôi – thú y và thủy sản tỉnh đã chỉ đạo các địa phương dừng việc tiêm vắc xin VDNC trên đàn bò sữa (đến nay đã tiêm tổng cộng hơn 31.000 liều, trên đàn bò sữa khoảng 10.000 liều); đồng thời, trực tiếp cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo Chi cục đã xuống cùng với Trung tâm Nông nghiệp, phòng Nông nghiệp hỗ trợ điều trị tại các địa phương như Tu Tra, Quảng Lập. Từ 4 – 5 ngày nay, Quảng Lập và Ka Đơn không phát sinh thêm bò bệnh và chết. Ngoài ra, Chi cục cũng đã cấp phát thuốc bổ sung lấy mẫu để phân tích xác định tác nhân gây bệnh tiêu chảy trên đàn bò. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa tìm ra được tác nhân chính gây bệnh. Đối với bệnh tiêu chảy, thường ghép với một số bệnh khác gây chết nhanh như tụ huyết trùng, viêm phổi… Đối với những trường hợp này, chúng tôi khuyến cáo phải tích cực chăm sóc, bổ sung các thức ăn thô, chủ yếu là rơm và cỏ khô; nếu bò mất nước thì nên bổ sung điện giải, sốt thì hạ sốt, bổ sung các men vi sinh và chích các loại kháng sinh để chống tái phát các bệnh”, ông Nguyễn Phi Long nói.
Trả lời với bà con, ông Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Các ngành chức năng của tỉnh đã có văn báo cáo Chi cục Thú y vùng và ngày mai, Chi cục Thú y vùng sẽ lên Lâm Đồng tiến hành điều tra dịch tễ, phối hơp trong công tác điều trị. Đồng thời, Sở cũng sẽ gửi văn bản mời Cục Thú y vào lấy mẫu vắc xin vừa được dùng để chích ngừa cho bò để kiểm nghiệm. Sau khi kiểm nghiệm, nếu kết quả nguyên nhân đúng là do vắc xin như bà con phản ánh thì đơn vị cung cấp vắc xin sẽ bồi thường thiệt hại cho bà con.
Tuy nhiên, trước mắt, Chi cục Chăn nuôi, thú y phối hơp với Trung tâm Nông nghiệp huyện, xã tiến hành tiêu độc, khử trùng, thống nhất phác đồ điều trị, để giảm bớt thiệt hại. Ông Hoàng Sỹ Bích cũng đề nghị chính quyền thôn, xã, huyện có xác minh cụ thể từng trường hợp cụ thể để có cơ sở bồi thường (nếu nguyên nhân được xác định là do vắc xin) và hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu tại cuộc họp
Ông Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, cũng đề nghị Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh huy động lực lượng cùng với địa phương triển khai các biện pháp như chỉ đạo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung cứu chữa đàn bò. Đồng thời, ngành chức năng sớm lấy mẫu xét nghiệm, để sớm có câu trả lời cho bà con nông dân yên tâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cũng mong bà con nông dân bình tĩnh, trước mắt thực hiện theo đúng phác đồ điều trị để tập trung cứu chữa đàn bò.
Nhật Minh
Nguồn: Báo Lâm Đồng