Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đề tài ứng dụng công nghệ tia UV để phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn. Đề tài được thực hiện thí điểm tại 2 trang trại của 2 huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ. Kết quả đề tài cho thấy, đối với các bệnh truyền nhiễm trong phạm vi nghiên cứu, tỷ lệ đàn lợn mắc các bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt (từ khoảng 50% xuống còn 0,99% – 1,65%), đặc biệt là các bệnh nguy hiểm do vi khuẩn đường ruột escherichia coli hoặc salmonella gây ra.
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện đề tài ứng dụng công nghệ tia UV để phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn tại huyện Quỳnh Phụ.
Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thực tế hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sử dụng nước bề mặt ở sông ngòi hoặc nước giếng khoan để rửa chuồng và tắm cho đàn lợn. Với tập tính của con lợn, chúng vẫn có thể liếm láp những nguồn nước đó. Vì vậy, chỉ mỗi nguồn nước uống sạch, sẽ không thể phòng tránh được các bệnh truyền nhiễm. Trong số các loại bệnh trên đàn lợn, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, đã xuất hiện một số ổ dịch trên cả nước, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường. Chính vì vậy, việc vệ sinh phòng bệnh là khâu rất quan trọng để có thể bảo đảm được sức khỏe của đàn lợn và tính kinh tế trong sản xuất của người chăn nuôi. Và sử dụng tia UV để làm sạch nguồn nước là giải pháp tiên tiến, tối ưu để phòng các loại bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng.
Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Cao Cường, thôn Đôn Nông, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) là 1 trong 2 trang trại được áp dụng triển khai thực hiện đề tài. Sau thời gian ứng dụng công nghệ tia UV để xử lý vi sinh vật gây bệnh có trong nguồn nước và dụng cụ bảo hộ, tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy trên đàn lợn giảm nhiều.
Anh Cường cho biết: Hiện tại, trang trại của gia đình tôi có 40 con lợn thịt và 20 con lợn nái. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dùng nước giếng khoan đã được xử lý bằng hệ thống lọc thô để vệ sinh phòng bệnh cho lợn, song tình trạng lợn bị tiêu chảy vẫn còn nhiều. Năm 2022, gia đình tôi được Sở Khoa học và Công nghệ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tạo điều kiện để triển khai đề tài ứng dụng công nghệ tia UV để phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn. Từ đó đến nay, tỷ lệ đàn lợn của gia đình mắc bệnh tiêu chảy giảm gần như tuyệt đối, chỉ còn khoảng 1%. Các dụng cụ bảo hộ trước khi vào chuồng nuôi cũng được tia UV khử trùng sạch sẽ. Tôi mong muốn việc ứng dụng công nghệ tia UV sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều trang trại chăn nuôi lợn để mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng công nghệ tia UV để diệt khuẩn từ lâu đã được sử dụng trong lĩnh vực y học. Tia UV có thể tiêu diệt được tất cả các mầm bệnh, từ vi khuẩn, vi-rút và các ký sinh trùng gây bệnh. Trong số các biện pháp an toàn sinh học nguồn nước, sử dụng tia UV được cho là một biện pháp tiềm năng với nhiều ưu điểm. Kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài là cơ sở khoa học cho việc triển khai, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tiên tiến, hiện đại và nâng cao hiệu quả phòng bệnh trên đàn vật nuôi.
Lắp đặt hệ thống đèn UV tại trang trại nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (Hưng Hà).
Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thông tin thêm: Có thể khẳng định, hiệu quả của tia UV diệt khuẩn trong môi trường nước và khử trùng các dụng cụ bảo hộ đã được chứng minh. Tuy nhiên, để phòng, chống những loại bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn nói chung, đặc biệt là trong giai đoạn bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp an toàn sinh học. Các trang trại cần thiết kế chuồng trại phù hợp để phòng, chống chuột bởi chuột chứa nhiều vi khuẩn, vi rút có thể gây bệnh trên đàn lợn; cần có hố sát trùng, sử dụng nước vôi trong, khi xe chở thức ăn chăn nuôi đi qua phải đi ngập bánh xe trước khi vào chuồng nuôi. Người chăn nuôi lợn nên hạn chế đi ra khỏi môi trường trang trại. Đối với các trang trại lợn nái có quy mô nhỏ phải sử dụng tinh dịch lợn để truyền tinh nhân tạo, đề nghị các ngành chuyên môn đặc biệt là ngành thú y phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các mẫu tinh dịch lợn để kịp thời phát hiện các vi rút gây bệnh. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẵn sàng tư vấn cho người chăn nuôi các biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, góp phần thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 17/7/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thu Hoài
Nguồn: Báo Thái Bình