(Người Chăn Nuôi) – Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024.
Dịch bệnh gia tăng phức tạp
Sáng 17/6 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đồng chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bệnh dịch tả heo châu phi có số ổ dịch tăng 2,4 lần; Số ổ dịch lở mồm long móng tăng 2,1 lần; đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm virus cúm gia cầm A/H9N2; 44 người tử vong (tăng 30%) do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố (riềng tỉnh Bình Thuận có 7 ca, Đắk Lắk có 5 ca). Cả nước ghi nhận 96.561 trường hợp người bị chó, mèo mắc dại, nghi dại cắn, cào phải điều trị dự phòng…
Thiệt hại nhiều nhất là do dịch tả heo châu Phi gây ra. Cụ thể, trong gần nửa năm qua, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con heo. Dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Theo Cục Thú y, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh gặp một số khó khăn như việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vaccine; Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan mầm bệnh. Đáng chú ý, việc quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; điều kiện cơ sở vật chất của các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; hầu hết các trạm không có nơi xét nghiệm, không có thiết bị để thực hiện các xét nghiệm nhanh, không có khu vực nuôi nhốt cách ly động vật và nơi lưu giữ sản phẩm động vật…
Giải pháp thực hiện xuyên suốt
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành đã thẳng thắn nêu ra một số vướng mắc gây ảnh hưởng đến chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của địa phương.
Tỉnh Bắc Kạn hiện là địa phương có dịch tả heo diễn biến phức tạp nhất khi thời gian qua, khoảng 85 xã của 8 huyên có ổ dịch với hơn 300.000 con heo buộc phải tiêu hủy. Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ, phần lớn dịch bệnh lại thường xuất hiện tại các khu vực chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sớm xử lý ổ dịch, kiểm soát công tác vận chuyển heo bệnh, tuy nhiên hiện số lượng cán bộ thú y cơ sở vẫn còn còn yếu, hoạt động chưa hiệu quả.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, cho biết từ đầu năm đến nay, Lạng Sơn đã thực hiện tiêm khoảng 13.000 liều vaccine dịch tả heo, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Chỉ tính riêng với bệnh dịch tả heo châu Phi, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 4.000 con heo. Bà Thu đề xuất cần đưa bệnh dịch tả heo châu Phi thuộc nhóm bệnh nguy hiểm và nằm trong danh mục bắt buộc tiêm phòng.
Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các Chương trình, Kế hoạch quốc gia và nhiều văn bản của Bộ NN&PTNT; Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, bệnh dại…
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới để phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, cần tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine trên vật nuôi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine. “Con giống nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại rất lớn. Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành không thể đứng ngoài cuộc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thùy Khánh
Bài và ảnh