Trước xu hướng chăn nuôi theo mô hình trang trại ở Bình Dương đang ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ cao và quy hoạch phân khu rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư an tâm cũng như bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Song song đó, việc xử lý các trang trại gây ô nhiễm môi trường cũng cần kiên quyết, kịp thời để tạo sức răn đe.
Chăn nuôi xa khu dân cư
Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo), cho biết để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, địa phương đã lập khu quy hoạch chăn nuôi tại ấp 6 của xã. Hưởng ứng chủ trương này, một số hộ đã xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi và chấp hành nghiêm các quy định, trong đó có việc bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trang trại nuôi gà lạnh ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Đinh Ngọc Khương, xã An Bình, huyện Phú Giáo đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi, không ảnh hưởng đến môi trường
Trao đổi với P.V, ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Phú Giáo có trên 200 cơ sở, trang trại chăn nuôi được phân thành 3 cấp để kiểm tra, xử lý về môi trường.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo, đối với 10 xã của địa phương đã chọn những khu đất xa khu dân cư để lập khu tập trung trang trại chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Phú Giáo đã kiểm tra và phát hiện, lập biên bản xử lý 10 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực môi trường.
Ngoài Phú Giáo, một trong những địa phương hiện nay phát triển khá nhanh về mô hình chăn nuôi trang trại là huyện Dầu Tiếng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết hiện trên địa bàn có khoảng 100 trang trại lớn nhỏ.
Tính đến giữa tháng 4-2024, trên địa bàn tỉnh có 150 trang trại gà. Tổng đàn gà có hơn 8.364.500 con; 80 trang trại vịt với 852.900 con; 264 trang trại heo với tổng đàn hơn 710.000 con, tăng hơn 6.700 con so với tháng 3. Có 1 trang trại chăn nuôi bò sữa với 458 con. |
Để môi trường sống của người dân được bảo đảm, chính quyền địa phương đã đề nghị một số chủ hộ chăn nuôi di dời trang trại đến vị trí thích hợp. Song song đó, huyện Dầu Tiếng đã chọn xã Minh Thạnh làm nơi quy hoạch, phân khu tập trung trang trại chăn nuôi. Tại khu vực chăn nuôi ở địa phương này, các chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
“Thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tiếp tục mở rộng quy hoạch, phân khu trang trại chăn nuôi tại các khu vực xa khu dân cư ở một số xã còn lại. Việc hình thành các khu trang trại phải thuận tiện về cơ sở hạ tầng giao thông để người dân dễ dàng lưu thông hàng hóa. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế trang trại, tạo công ăn việc làm cho người dân ở vùng nông thôn”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Phát triển theo hướng bền vững
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh có nhiều chuyển biến đáng mừng. Việc này đã góp phần vào tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh. Với việc đa dạng loại hình kinh tế chăn nuôi đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc đô thị hóa, các khu dân cư tập trung đòi hỏi các chủ trang trại phải bảo đảm về môi trường trong quá trình hoạt động.
Cũng theo ông Trần Phú Cường, hiện nay mô hình nông nghiệp ứng dụng chuồng trại kín, trại lạnh trong chăn nuôi heo và gà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là ở các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. “Định hướng chăn nuôi trong thời gian tới của tỉnh là chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc phát triển chăn nuôi theo định hướng này của tỉnh có yếu tố bền vững; môi trường sống quanh khu vực chăn nuôi sẽ được bảo đảm hơn”, ông Trần Phú Cường nhấn mạnh.
Việc phát triển các trang trại chăn nuôi hứa hẹn đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo quy định, trang trại chăn nuôi được chia thành hai loại. Đối với trang trại chăn nuôi công nghiệp có quy mô lớn thuộc tỉnh quản lý thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ để tỉnh phê duyệt, cấp phép hoạt động. Trong đó, hồ sơ giấy phép BVMT phải bảo đảm các quy định.
Đối với trang trại chăn nuôi theo hộ gia đình thuộc cấp huyện quản lý, theo dõi, kiểm tra, xử lý. “Để việc phát triển kinh tế trang trại có tính bền vững, hiện nay các huyện cũng đã quy hoạch lại vùng chăn nuôi an toàn. Động thái này tạo thêm điều kiện cho người chăn nuôi phát triển kinh tế gắng với việc BVMT”, ông Trần Thanh Quang cho biết thêm.
Thanh Quang
Nguồn: Báo Bình Dương