Hiệu quả cao từ nuôi bò sinh sản

(Người Chăn Nuôi) – Bò là gia súc lớn, có sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh. Nuôi bò sinh sản dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều và công lao động nhàn rỗi. Đặc biệt mô hình nuôi bò sinh sản cũng đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người chăn nuôi.

Chế độ dinh dưỡng

Khẩu phần ăn cho bò cái (trọng lượng trung bình 200 – 220 kg): Nếu người nuôi chăn thả hàng ngày thì cần cung cấp thêm ít nhất 1 kg bột hoặc cám (ngô, gạo) + 0,2 – 0,3 kg khô dầu lạc và khoảng 20 g premix khoáng, vitamin. Nếu nuôi nhốt hàng ngày thì cung cấp cho bò khoảng 20 – 25 kg cỏ xanh và lượng thức ăn tinh như trên. Nếu bò sinh sản có trọng lượng lớn hơn thì tăng lượng thức ăn theo tỷ lệ 2,5 – 3 kg vật chất khô/100 kg thể trọng.

Khi bò có chửa hoặc nuôi con nên bổ sung thêm thức ăn tinh nhằm tăng hàm lượng dinh dưỡng nuôi thai và sản xuất sữa cho con bú. Có thể cho ăn theo khẩu phần (30 – 35 kg cỏ tươi + 2 kg rơm ủ + 1 kg thức ăn tinh hoặc cám tổng hợp + 25 -30 g muối + 30 – 35 g bột xương/ngày).

kỹ thuật nuôi bò sinh sản

Nuôi bò sinh sản dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều. Ảnh: Vân Anh

 

Phối giống

Tuổi phối giống lần đầu của bò mẹ là khi được 1,5 tuổi với trọng lượng yêu cầu phải nặng từ 170 kg trở lên. Khi thấy bò có nhiều dấu hiệu như biếng ăn, phần âm hộ chuyển sang màu hồng đỏ, hay rống, nhảy lên cơ thể con bò khác… chứng tỏ bò đã đến thời kỳ động dục. Đây là thời điểm thích hợp để cho bò cái phối giống. Trong vòng 10 – 20 giờ khi bò có dấu hiệu động dục là thời điểm phối giống hiệu quả nhất. Để đảm bảo tỷ lệ thụ tinh cao, tốt nhất nên phối giống 2 lần (lần 1 phối vào lúc sau khi phát hiện động dục 6 – 8 giờ và lần 2 phối lại sau đó 12 giờ).

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, có thể quan sát tình trạng dịch nhày keo lại (kéo dài được như chiếc đũa) thì phối giống là tốt nhất hoặc theo dõi nếu thấy bò động dục vào buổi sáng sớm thì phối giống vào buổi chiều cùng ngày. Nếu bò động dục vào buổi chiều thì phối giống vào sáng ngày hôm sau.

 

Chăm sóc bò chửa

Cho ăn uống đầy đủ trong giai đoạn này, mỗi ngày nên ăn khoảng 30 – 35 kg cỏ tươi, 2 kg rơm ủ, 1 kg thức ăn tinh (như ngô, cám…), 25 – 30 g bột xương. Không bắt bò làm những công việc nặng như: Cày bừa, kéo xe… Tránh việc xua đuổi mạnh đối với bò đang mang chửa tháng thứ 3, thứ 7, thứ 8 và 9.

Đỡ đẻ cho bò: Với những trường hợp bò có thai thuận thì không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái bằng cách dùng tay kéo nhẹ thai ra. Cắt dây rốn dài khoảng 10 – 12 cm (không cần buộc dây rốn) và sát trùng bằng loại cồn lốt 5%.

Vệ sinh sạch sẽ cho bò và bê như lau rớt rãi trong mũi mồm bê, tự để bò tự liếm bê con. Nên bóc móng để bê con đỡ bị trơn trượt khi mới bắt đầu tập đi. Vệ sinh sạch phần thần sau và bầu vú của bò mẹ, bổ sung thêm nước uống có pha thêm ít muối cho bò, có thể cho ăn thêm cám và nước ấm. Đối với những trường hợp bò khó đẻ cần phải gọi nhân viên thú y để được hỗ trợ và can thiệp kịp thời.

 

Chăm sóc bê con theo mẹ

Trong thời gian khoảng 1 tháng sau sinh cho bê bú mẹ tự do, giữ ấm và vệ sinh sạch sẽ cho bê. Từ ngày thứ 30 trở đi có thể tập cho bê ăn thức ăn tinh hỗn hợp và thức ăn thô xanh. Khi bê đã quen ăn ngoài nên thay đổi khẩu phần ăn cho bê 10 ngày/lần (khẩu phần ăn có thể là 5 – 10 kg cỏ tươi + 0,2 – 0,3 kg thức ăn tinh hỗn hợp/ngày). Nên cai sữa bê khi được 6 tháng tuổi (bê đạt trọng lượng 800 – 900 kg). Khi bê tách khỏi bò mẹ cũng là lúc bò mẹ bước vào giai đoạn thành thục sinh dục lên giống lứa tiếp theo.

Lưu ý: Nên tắm chải bò thường xuyên để giữ cho cơ thể bò được sạch sẽ, giúp khí huyết lưu thông và hạn chế nhiều bệnh ký sinh trùng ngoài da. Hàng ngày phải dọn phân, rửa nền chuồng, vệ sinh máng ăn, máng uống cho bò…Không nên cho bò ăn thức ăn dưới đất hoặc thức ăn tinh đã nấm mốc, thiu thối…

Bò sinh sản có sức đề kháng yếu nên dễ bị mắc bệnh nếu không tiêm phòng đầy đủ. Tốt nhất hàng năm nên tiêm vaccine định kỳ một số bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sẩy thai truyền nhiễm…

Hoàng Yến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *