Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Kế hoạch số 2023/KH-UBND ngày 15/3/2024, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, địa phương này sẽ sản xuất được 45.000 tấn thức ăn công nghiệp/năm, đáp ứng 20% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi.
Lâm Đồng sẽ sản xuất được 45.000 tấn thức ăn công nghiệp/năm. Ảnh: Hoàng Nhị – TTXVN
Cũng theo kế hoạch này, vào năm 2030 tỉnh Lâm Đồng sẽ sản xuất tới 112.000 tấn thức ăn công nghiệp/năm, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu phục vụ sản xuất chăn nuôi. Đồng thời, địa phương sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thu gom, chế biến khoảng 40% các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa.
Bên cạnh đó, chuyển đổi, mở rộng, nâng diện tích đất nông nghiệp sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến năm 2025 khoảng 3.000 ha, đến năm 2030 đạt 6.000 ha, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh.
Đến năm 2025, có 40% lượng phụ phẩm nông nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý, chế biến làm thức ăn chăn nuôi và đến năm 2030, có khoảng 60% lượng phụ phẩm nông nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý, chế biến làm thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như tuyên truyền, phổ biến, triển khai Đề án; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi như rà soát, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn; thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp để phát triển vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi; trong đó, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng đất nông nghiệp có khả năng chuyển đổi 1 số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng ngô sinh khối và các loại cây khác làm nguyên liệu kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn hỗn hợp để phát triển chăn nuôi.
Ngoài ra, tỉnh sẽ áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để sản xuất các loại cây trồng có năng xuất, chất lượng phù hợp với từng địa phương để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng sản xuất chăn nuôi.
Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn tự nghiền, phối trộn để giảm chi phí sản xuất; ưu tiên ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi…
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn gia súc trên địa bàn hiện có trên 560.000 con, đàn gia cầm trên 9,4 triệu con. Tỉnh hiện có khoảng 1.358 trang trại chăn nuôi; trong đó, có 81 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 405 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 872 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và khoảng 28.248 hộ chăn nuôi. Địa phương đang ưu tiên phát triển các đối tượng vật nuôi chính, có lợi thế của tỉnh là bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, tằm và cá nước lạnh.
Mặc dù nhu cầu về thức ăn công nghiệp dùng cho chăn nuôi là rất lớn, trong khi lượng phụ phẩm từ sản xuất rau, cây lương thực, từ các nhà máy chế biến nông sản thải ở Lâm Đồng ra rất cao.
Tuy nhiên, hầu hết lượng phụ phẩm này chỉ dùng để chế biến phân sinh sinh, 1 phần tự nghiền, phối trộn làm thức ăn cho chăn nuôi. Lượng thức ăn công nghiệp dùng cho chăn nuôi của địa phương này chủ yếu nhập từ nước ngoài và địa phương khác.
Mặc dù có tới 3 khu công nghiệp đang hoạt động là Lộc Sơn, Phú Hội và Phú Bình với diện tích 538 ha, hiện vẫn đang còn rất trống, nhưng Lâm Đồng có rất ít các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp cần thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chu Quốc Hùng
Nguồn: TTXVN