Thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm, định hướng chăn nuôi theo hướng phù hợp với quy hoạch và thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư cho vùng có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, tạo tính ổn định và hiệu quả; chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, hợp tác xã (HTX); tái đàn, tăng đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh.
Sau thời gian dài do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa qua, HTX nông nghiệp và chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà (Hà Quảng) tập trung tái đàn vật nuôi với gần 100 con lợn thịt, gần 3.000 con gà Ai Cập/lứa, trong đó có trên 1.000 con gà hậu bị. Giống gà Ai Cập lông trắng, nhiều thịt, sức đề kháng và khả năng chống chịu bệnh tốt, gà đẻ quanh năm, trung bình đạt khoảng 250 – 280 quả trứng/con/năm. Trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao, nhiều dinh dưỡng.
Giám đốc HTX nông nghiệp và chăn nuôi Bảo Hưng Lê Bảo Hưng cho biết: Sau khi được tiếp cận kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh, HTX đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi theo hướng hiện đại, có hệ thống thu gom chất thải, đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường. Để tái đàn vật nuôi trong điều kiện chi phí sản xuất tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh phát sinh, HTX rất cẩn trọng việc lựa chọn con giống, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi; bổ sung nguồn thức ăn từ cám, ngô, phụ phẩm nông nghiệp thay thế thức ăn công nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất; tăng cường liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Định kỳ tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin như: tả, cầu trùng, cúm gia cầm, bệnh phân trắng, Newcastle, khô chân; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng, tiêu độc cho đàn vật nuôi.
Người dân khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, phòng các loại bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm.
Với các biện pháp khuyến khích tăng đàn, tái đàn; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi hợp lý, đến nay, toàn tỉnh có tổng đàn trâu 106.000 con, đàn bò 105.000 con, đàn lợn 328.000 con, đàn gia cầm gần 3 triệu con. Nhiều địa phương triển khai lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ sản xuất. Riêng nguồn vốn khuyến nông, khuyến lâm năm 2023 triển khai các mô hình chăn nuôi gà giống mới hướng trứng IZ an toàn tại huyện Nguyên Bình với quy mô 1.200 con/24 hộ dân tham gia; nuôi vịt siêu trứng Đại xuyên TC theo hướng an toàn tại huyện Hà Quảng quy mô 1.100 con/22 hộ dân tham gia. Nguồn vốn địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ di dời 267 chuồng chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà ở; tổ chức tiêm phòng gần 900.000 liều vắc xin cho đàn vật nuôi.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Nông Chí Kiên, thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, cơ cấu lại vùng theo hướng phát triển chăn nuôi lợn ngoại, lợn lai, lợn đen, giống lợn bản địa; chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại; chăn nuôi trâu, bò theo hình thức sinh sản kết hợp vỗ béo tại các địa phương có thế mạnh. Tập trung liên kết các cơ sở chăn nuôi nông hộ thành các tổ hợp tác, HTX tạo ra số lượng sản phẩm lớn, đầu ra sản phẩm ổn định. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi. Chú trọng phát triển các loại vật nuôi đặc trưng, đặc sản.
Chi cục tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát thực tế, đánh giá thực trạng, quy mô chăn nuôi của từng vùng, địa phương. Đối với những vùng an toàn dịch bệnh thì tăng cường khuyến cáo người dân tái đàn vật nuôi gắn với làm tốt công tác dự báo về thị trường và vấn đề phòng, chống dịch bệnh. Các vùng nguy cơ cao phải theo dõi diễn biến dịch bệnh, không mạo hiểm tái đàn ồ ạt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng. Tổ chức ra quân vệ sinh khử trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm và phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm.
Theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh, kiểm tra lưu hành của mầm bệnh trên đàn vật nuôi nhằm triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tái đàn vật nuôi; kiểm soát về chất lượng con giống; khuyến khích các cơ sở, hộ chăn nuôi sản xuất giống đảm bảo an toàn cung cấp cho thị trường; kiểm soát về vận chuyển, mua bán các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng bình quân sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3 – 4%/năm. Tỷ trọng ngành chăn trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt trên 35,2%; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 43.600 tấn. Mỗi huyện hình thành ít nhất 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Xây dựng được ít nhất 2 thương hiệu sản phẩm chăn nuôi đặc trưng trên địa bàn tỉnh. 100% trang trại chăn nuôi được quản lý, giám sát dịch bệnh; ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Chất thải của các cơ sở chăn nuôi phải được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Thái Hà