Mắt xích trong kế hoạch toàn cầu hóa của Tyson

(Người Chăn Nuôi) – Mua lại Mac Food Services là bàn đạp để ông lớn gia cầm Mỹ Tyson tiến vào thị trường Malaysia năm 2018. Từ đó, công ty đầu tư mạnh tay vào nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng công suất và xây dựng năng lực địa phương.

“Chìa khóa” Malaysia

Cách đây 2 năm, Tyson rót vốn vào một kế hoạch hợp tác chiến lược với Malayan Flour Mill (MFM) và mua lại 49% cổ phần của hãng gia cầm Dindings Supreme. Liên doanh Dindings Tyson ra đời và điều hành một chuỗi các trang trại chăn nuôi tới cơ sở chế biến gia cầm.

“Thỏa thuận này đã giúp hợp lý hóa hoạt động kinh doanh hiện tại của Tyson tại Malaysia và mở rộng kinh doanh gia cầm của MFN; đồng thời mở rộng phân phối sản phẩm gia cầm chứng nhận Halal tới khách hàng Malaysia và các thị trường xuất khẩu ở châu Á và các châu lục khác”, ông Tan Sun, Chủ tịch Tyson Foods châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Tyson đã bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến mới tại Enstek Park, Sepang để mở rộng công suất, dự kiến đi vào hoạt động nửa cuối năm 2023. Cơ sở này gồm hạ tầng và thiết bị hiện đại hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của Tyson. “Ông lớn” gia cầm Mỹ vẫn đang nâng cấp cơ sở hạ tầng liên quan đến dữ liệu, phân tích, tự động hóa và số hóa trong tất cả các hệ thống Tyson tại Malaysia.

Tyson

Tyson luôn chia sẻ qua các diễn đàn bí quyết và phương pháp chăn nuôi tiên tiến nhất toàn cầu. Ảnh: AP

Ông Tan cho biết: “Thương hiệu gà viên First Pride dẫn đầu thị trường Malaysia đã chứng minh người tiêu dùng Malaysia chuộng sản phẩm của Tyson. Do đó, công ty không ngừng đa dạng hóa sản phẩm protein chất lượng cao và sắp tới sẽ ra mắt thương hiệu mới nối tiếp sự thành công của First Pride vào năm 2021”.

Chuỗi cung ứng

Hoạt động của các trang trại đều do Dindings Tyson quản lý. Dindings Tyson hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Malaysia (Mafi) trong nhiều lĩnh vực để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm Malaysia.

Ông Tan cho biết, Dindings Tyson luôn sát cánh với Mafi qua các diễn đàn để chia sẻ các bí quyết và phương pháp chăn nuôi tiên tiến nhất toàn cầu. Ông cho rằng dân số của châu Á – Thái Bình Dương sẽ bùng nổ, kéo theo nhu cầu protein tăng vọt và Malaysia đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh này.

Theo đại diện Tyson, các sản phẩm dán nhãn Halal từ Malaysia đã được công nhận trên toàn cầu. Ðây chính là lợi thế cạnh tranh của Malaysia vì các sản phẩm được chứng nhận bởi Cơ quan Phát triển Hồi giáo Malaysia (Jakim) đều được công nhận là tiêu chuẩn vàng cho người tiêu dùng Hồi giáo. Malaysia là trung tâm cung ứng sản phẩm halal nổi tiếng trong khu vực với các sản phẩm chất lượng cao được xuất khẩu sang nhiều thị trường, gồm cả Trung Ðông. Ngành công nghiệp Halal của Malaysia dự kiến trị giá 147,4 tỷ USD vào năm 2025 cùng kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD, theo Tập đoàn phát triển Công nghiệp Halal.

Ngoài các sản phẩm Halal, Tyson tiếp tục tung ra một loạt thương hiệu tiêu dùng từ tủ đông đến nồi chiên không dầu hay các sản phẩm gà chiên tại Malaysia. Bạnh đó, công ty vẫn cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, gồm cả thịt gà chay với hương vị đa dạng. Một số sản phẩm gia cầm đóng túi 600g của Tyson tại Malaysia đang hút khách như Classic Fried Chicken, Buffalo Chicken Wing Stick, Crispy Chicken Strips, Chicken Karaage, BBQ Roasted Chicken Drumstick, Grilled Tender Chicken, và Chicken Nuggets.

Xử lý khủng hoảng

Tyson cũng từng đối mặt khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng suốt những năm COVID-19. Nhưng giải pháp mà công ty này lựa chọn là cải tổ toàn bộ các mô hình hoạt động để linh hoạt hơn.

Việc đầu tiên mà Tyson thực hiện ở châu Á là hỗ trợ nông dân và nhà sản xuất địa phương đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường. Sau đó, các chi nhánh của Tyson tại Thái Lan, Malaysia, và Australia đã áp dụng thương mại điện tử và số hóa trong các hoạt động mua bán thực phẩm. Tyson tung ra thị trường dòng sản phẩm chay First Pride cũng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thực phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng vốn đã trở thành tiêu chuẩn trong thời kỳ đại dịch.

Sau COVID-19, giá thịt và thực phẩm toàn cầu tăng 3 – 4 lần bởi nguồn cung hạn chế do thiếu lao động, chi phí thức ăn tăng cao và nhu cầu tiêu dùng tăng vọt. Malaysia cũng không ngoại lệ. Ðể khắc phục, Tyson đã tìm mọi cách giảm áp lực chi phí đầu vào thông qua cải thiện tay nghề lao động, nâng cao hiệu quả và năng suất.

Ông Tan kết luận, đầu tư cho lực lượng lao động, công nghệ số và tự động hóa luôn là chiến lược sáng suốt để ứng phó với khủng hoảng hiện nay. Ðây cũng là ưu tiên hàng đầu của Tyson. Hiện công ty đang nỗ lực tìm cách cắt giảm chi phí, giảm chi tiêu và rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh để đảm bảo việc duy trì giá trị gia tăng cho khách hàng và người tiêu dùng.

Dũng Nguyên

(Theo AsianPoutry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *