Thành công từ mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học

Năng động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, chị Lý Thị Nga, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi gà trang trại theo phương pháp đảm bảo an toàn sinh học, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Lý Thị Nga (sinh năm 1990) sinh ra và lớn lên tại thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia trong một gia đình làm nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Nga theo học Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên nhưng do gia đình có biến cố, nên chị Nga đành gác lại sự nghiệp học hành, lập gia đình rồi đi các tỉnh xa lập nghiệp. Một thời gian dài xa quê hương, chị Nga vẫn luôn đau đáu được làm giàu trên chính nơi mình sinh ra, lớn lên.

nuôi gà an toàn sinh học

Chị Lý Thị Nga chăm sóc đàn gà

Năm 2019, chị Nga và chồng đi làm thuê tại một trang trại chăn nuôi ở Thái Nguyên. Sau gần một năm làm việc, nhận thấy việc chăn nuôi gà trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với những kinh nghiệm đúc rút từ trong quá trình làm việc tại đây, chị Nga đã quyết định trở về quê hương khởi nghiệp.

Năm 2020, chị Nga mạnh dạn vay vốn từ anh em, bạn bè và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống và thức ăn cho gà. Khi mới bắt đầu, gia đình chị nuôi khoảng 1.000 con gà thịt. Trong quá trình chăn nuôi thấy hiệu quả, chị Nga mạnh dạn tăng đàn theo từng năm. Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học nên trang trại gà của chị luôn khô thoáng, sạch sẽ bảo đảm cho đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh. Đến nay, chuồng nuôi của gia đình chị luôn duy trì 12.000 con gà thịt/lứa, trung bình mỗi năm xuất bán 3 – 4 lứa gà. Từ chăn nuôi gà, gia đình chị thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm cho 8 – 10 lao động thời vụ mỗi năm.

Mô hình kinh tế của chị Lý Thị Nga là mô hình nổi bật được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Gia lựa chọn giới thiệu tham gia Cuộc thi Viết về gương phụ nữ điển hình tiên tiến năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.

Chị Nga cho biết: Để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình, bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm từ khi đi làm thuê tại các trang trại lớn, tôi còn dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi các kỹ năng từ chăn nuôi gà đến quản lý, vận hành trang trại trên sách, báo và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Để tạo niềm tin và sự liên kết bền chặt với khách hàng, tôi chủ động ghi lại quá trình chăn nuôi tại trang trại mình, cập nhật thường xuyên tình hình trang trại gà để khách hàng theo dõi.

Nhận xét về chị Nga, bà Nguyễn Hải Lý, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Bình Gia cho biết: Chị Nga là hội viên năng nổ, dù bận rộn với công việc tại trang trại, chị Nga vẫn luôn tích cực tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ngoài ra, chị Nga còn rất nhiệt tình trong việc tư vấn, hỗ trợ cho các chị em trong hội có nhu cầu xây dựng mô hình kinh tế từ chăn nuôi gà.

Từ thành công của mình, trang trại chăn nuôi gà của chị Nga đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều hội viên phụ nữ, người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập. Hiệu quả từ mô hình này đã tạo sức lan tỏa, khích lệ hội viên phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế.

Triệu Huyền

Nguồn: Báo Lạng Sơn
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *