Tái cơ cấu ngành chăn nuôi của huyện Cư Jút đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngành chăn nuôi của huyện ngày càng phát triển bài bản, đi vào chiều sâu, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Theo Phòng NN- PTNT huyện Cư Jút, đến cuối năm 2022, toàn huyện có 49 trang trại chăn nuôi, tăng 32 trang trại so với năm 2018.
Chăn nuôi ở Cư Jút tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, với tổng đàn gia súc, gia cầm là 709.159, tăng 524.285 con so với năm 2018. Trong đó, đàn trâu, bò là 8.312 con; đàn heo 244.477 con; dê 18.370 con; gia cầm 438.000 con.
Huyện Cư Jút đã triển khai đồng bộ các phương thức kỹ thuật, thực hiện chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Huyện cơ cấu lại đàn gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Người dân thôn 20, xã Đắk D’rông (Cư Jút) chăn nuôi heo theo quy mô trang trại
Theo đó, nhiều giống vật nuôi mới được bổ sung và một số tiến bộ kỹ thuật được áp dụng. Nổi bật như huyện ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò, heo.
Huyện sử dụng các giống heo đực Yorkshire, Duroc, Landrace; các giống bò lai Sind để người dân chăn nuôi tại các trang trại, tổ hợp tác, hộ gia đình…
Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi tiếp tục được huyện quan tâm. Trong đó, huyện triển khai Chương trình cải tạo đàn bò địa phương.
Các kỹ thuật như sử dụng men vi sinh xử lý phân khi úm gia cầm; xử lý phân gia súc. Kỹ thuật ủ chua thức ăn thô xanh, ủ rơm với ure cho trâu, bò ăn cũng được áp dụng, giúp nông hộ cải thiện được hiệu quả chăn nuôi.
Các giống heo cao sản, giống bò lai, gà lai… được huyện đưa vào chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ngoài ra, ngành chuyên môn của huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhiều trang trại, hộ gia đình chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, quy trình khép kín.
Đến nay, huyện Cư Jút đã hình thành nhiều tổ chức trong chăn nuôi như: chuỗi liên kết giữa người dân với doanh nghiệp; thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ chăn nuôi…
Trong đó, có một số chuỗi liên kết chăn nuôi heo theo hình thức gia công giữa người dân với các Công ty TNHH CP Việt Nam, Công ty CJ, Công ty Japfa, Công ty Bình Minh… Các chuỗi liên kết này mỗi năm xuất chuồng tổng cộng trên 55.000 con heo.
Ông Đinh Văn Hùng tham gia Tổ nghề nghiệp thị trấn Ea T’ling (Cư Jút), giúp chăn nuôi thuận lợi hơn
Trên địa bàn huyện có Công ty GreanFarm chuyên sản xuất con giống chất lượng cao, với quy mô 30.000 con heo nái, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của người dân.
Huyện còn có 3 trang trại không liên kết, cung cấp khoảng 5.000 con heo mỗi năm; 3 trang trại chăn nuôi gà liên kết với Công ty Bình Minh, Công ty CJ, mỗi năm cúng ứng cho thị trường trên 400.000 con gà.
Các hộ liên kết chăn nuôi ở Cư Jút đều áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), kết hợp phương pháp xử lý ép tách phân, giúp giảm chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường.
Trong các chuỗi liên kết, doanh nghiệp đầu tư cho người dân con giống, thức ăn, kỹ thuật và thu lại sản phẩm theo định mức. Còn người dân bố trí không gian, chuồng trại, nhân công, xử lý chất thải… phục vụ chăn nuôi.
Hầu hết các trang trại trong chuỗi liên kết đều quản lý tốt dịch bệnh, đầu vào và đầu ra ổn định, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Kim Ngân
Nguồn: Báo Đắk Nông