Nuôi thỏ quy mô công nghiệp vừa mang lại giá trị kinh tế mà còn tiết kiệm thời gian. Gần đây, một số hộ ở xã Tân Tiến (Đồng Phú) đã thí điểm công nghệ không mùi trong chăn nuôi thỏ. Gia đình chị Đỗ Thị Thanh Hương (27 tuổi) ở ấp An Hòa là một điển hình.
Vốn ít, thu nhập cao
Nhận thấy thỏ là vật nuôi sinh trưởng nhanh mà không phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn công nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, đầu năm 2014, chị Hương đã mạnh dạn đầu tư 45 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi thỏ công nghiệp trên diện tích 100 m2. “Tham khảo sách báo và tham quan những mô hình thành công trên địa bàn tỉnh, ban đầu tôi mua 30 con thỏ giống New Zealand tại trại thỏ Việt Nhật (Ninh Bình) về nuôi. Do chưa có kỹ thuật nuôi, thiết kế chuồng trại chưa hợp lý nên thỏ hay bệnh và chết nhiều. Không nản chí, tôi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Sau thời gian ổn định về chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc, giờ đây đàn thỏ sinh trưởng tốt và tỷ lệ sống rất cao” – chị Hương chia sẻ.
Chị Hương giới thiệu kỹ thuật chăm sóc thỏ
Nuôi thỏ rất dễ, tốn ít thức ăn nên tiết kiệm được chi phí cho người chăn nuôi. Mỗi ngày cho ăn 2 lần, thức ăn phải đảm bảo chất xơ và đạm, sáng ăn cám viên, chiều ăn cỏ. Đối với thỏ mẹ, chỉ cần cho ăn 70g/ngày. Để thỏ phát triển tốt, vệ sinh chuồng trại rất quan trọng, phải thông thoáng, cao ráo và đủ ấm. Cần lưu ý máng ăn và ổ đẻ của thỏ mẹ phải sạch sẽ, kích thước hợp lý. Thỏ là vật nuôi có sức đề kháng kém, khi mắc bệnh dễ chết, thậm chí chết hàng loạt. Để hạn chế dịch bệnh cần tiêm phòng vắc xin, bổ sung vitamin B1, B12, phun thuốc sát trùng mỗi tuần 1 lần… Nhờ chăm sóc tốt, đến nay đàn thỏ của gia đình chị Hương lên đến hơn 1.200 con.
Ưu điểm lớn nhất của thỏ là rất mắn đẻ. Thỏ được 5 tháng sẽ cho phối giống, trung bình 1 con đẻ 7 – 8 lứa/năm, một lứa 6-7 con. Nếu chăm sóc tốt, sau 3 tháng thỏ đạt trọng lượng từ 4 – 4,5kg/con là có thể xuất chuồng. Giá bán thỏ thịt trên thị trường hiện ở mức 90 – 100 ngàn đồng/kg. Với 30 con thỏ mẹ, mỗi năm chị thu trên 100 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chính của gia đình chị chủ yếu tại các nhà hàng, quán ăn trong tỉnh và cả vùng Đông Nam bộ.
Chia sẻ kinh nghiệm, chị Hương cho biết: “Để duy trì giống nên chọn những con thỏ có thể trạng tốt, biết chăm sóc con, tốt nhất là chọn con giống ở lứa thứ 3 trở lên. Trong giai đoạn thỏ mang thai cần nuôi tách riêng, tránh hiện tượng thỏ đùa giỡn làm động thai. Cho thỏ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Thỏ thường đẻ vào ban đêm. Trước khi đẻ thỏ có hiện tượng nhổ lông làm ổ nên người nuôi phải biết. Với thỏ con, sau 21 ngày nên cai sữa và cách ly khỏi mẹ, trước 1 tuần cai sữa phải tập cho thỏ ăn thức ăn tinh, mềm giúp chúng thích nghi với môi trường mới. Để tạo tính tốt cho thỏ nên cho ăn vào thời gian nhất định, không cho ăn thừa vì thỏ dễ nhiễm bệnh… Đặc biệt, không cho thỏ ăn những thức ăn chứa nhiều nước. Muốn giảm lượng nước trong cỏ nên phơi nắng khoảng 4 giờ, khi đó lượng nước giảm 60 – 70%, đảm bảo độ an toàn và giàu chất xơ”.
Giảm ô nhiễm môi trường
Trở ngại lớn nhất đối với người chăn nuôi là mùi hôi của phân. Không những ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thỏ mà còn làm ô nhiễm môi trường. Để khắc phục vấn đề này, chị Hương sử dụng đệm lót sinh học theo công thức phân hủy gốc rạ, tỷ lệ pha cứ 40-60 g/bình 16 lít + trấu, mùn cưa ủ khoảng 1 tuần vừa xử lý mùi hôi vừa tiết kiệm được 80% lượng nước trong chăn nuôi do không phải rửa chuồng. Vệ sinh tốt cũng sẽ giúp thỏ hấp thụ vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng… “Khử mùi theo phương thức này, người chăn nuôi không tốn công nhiều vào việc vệ sinh chuồng, công chăm sóc thỏ giảm đi đáng kể. Để đảm bảo độ phân hủy, cứ 3 ngày tôi xáo trộn đệm lót 1 lần, sau 5 tháng thì thay lớp đệm mới. Đối với nền láng xi măng nên có rãnh thoát nước, tránh tình trạng phân và nước tiểu ứ đọng gây mùi hôi” – chị Hương cho biết.
Ông Kim Sơn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết: “Chăn nuôi thỏ công nghiệp không mùi như gia đình chị Hương là một cách làm hay, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Hiện xã đang có kế hoạch nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, giúp nông dân liên kết hỗ trợ nhau trong chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm”.
Hà My
Theo Báo Bình Phước