Làm giàu từ le le

(Người Chăn Nuôi) – Một trong những người nuôi le le thành công nhất ở An Giang đó chính là anh Sa Lê, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành. Không những nuôi le le thương phẩm mà còn cho loài chim thiên nhiên này tự sinh sản được.

Không khó nhưng cần kiến thức

Le le là một loài chim nước có giá trị kinh tế cao. Vì tính bổ dưỡng của nó nên loài này gần đây đang được thị trường ưa chuộng, do đó ngày càng trở nên quý hiếm. Ðể có đủ nguồn thịt cung ứng cho các nhà hàng đặc sản và xuất khẩu, nhiều người đã bỏ công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và nuôi thử nghiệm cho le le sinh sản nhưng không phải ai cũng thành công. Ða số người nuôi hiện nay đều thu gom le le con bắt từ thiên nhiên. Một trong những người nuôi le le thành công nhất ở An Giang chính là anh Sa Lê, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành.

Anh Sa Lê cho biết, nuôi le le thịt không khó, chỉ cần một diện tích rộng  và thức ăn đầy đủ. Tuy nhiên nuôi le le cho sinh sản thì không dễ chút nào. Suốt 3 năm trời tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của loài chim nước này, cuối cùng anh mới khám phá được đặc tính hoang dã của chúng và bước đầu thành công.

Theo anh Sa Lê, le le là một loài chim trời thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, bàu, đầm lầy, nhất là các khu rừng tràm yên tĩnh, ít có bóng người lui tới. Le le không những biết bay mà còn bơi lội và lặn rất tài tình. Với đặc tính đó, chuồng nuôi le le phải rộng, thoáng, giữa có hồ nước, xung quanh trồng nhiều cỏ dại như sậy, lục bình, năng, lát để tạo môi trường hoang dã cho chim trú ẩn và đẻ trứng. Nhằm bảo đảm an toàn, đề phòng chuột, mèo phá hoại, anh đã bao quanh chuồng một lớp hàng rào lưới dầy và chắc chắn.

Am hiểu kỹ thuật

Trong thiên nhiên, le le thường đẻ vào mùa mưa, khoảng tháng 7 – 8, mỗi con đẻ 10 – 15 trứng. Sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn trên khắp các cánh đồng. Muốn bắt chúng, người đi đồng phải tìm cách bao vây hoặc dùng lưới mới có thể săn đuổi kịp. Ðôi khi người đi đồng hốt được trứng đem về cho gà ác hoặc gà tre ấp nở.

Anh Sa Lê cho biết, le le con bắt ngoài thiên nhiên rất dễ nuôi và mau lớn như gà, vịt. Trong môi trường bán hoang dã chúng sống rất khỏe mạnh, hầu như chưa bao giờ bị dịch bệnh. Thức ăn chính của chúng là lúa, ngoài ra chúng còn ăn cả rong rêu và lục bình. Sau 8 tháng nuôi, le le sẽ trưởng thành, các thương lái tìm đến đặt hàng không đủ để cung cấp.


Anh Sa Lê là người thành công cho le le đẻ

Ðối với le le nuôi, muốn cho chúng đẻ và ấp trứng, người nuôi trước hết phải chọn một không gian yên tĩnh, thoáng đãng, nhiều cỏ dại, nguồn nước sạch và xung quanh có bờ đê cao ráo để chúng nghỉ ngơi. Khi le le trưởng thành, bắt cặp anh chọn ra từng con trống mái nhốt riêng. Con trống con mái tự làm tổ nhưng tốt nhất là người nuôi nên dùng rơm rạ hoặc cỏ khô lót sẵn vào thúng, rổ để chúng tự hoàn chỉnh theo bản năng của chúng.

 Ðiều cần lưu ý là sau khi le le đẻ, người nuôi không được sờ tay vào trứng hoặc dời tổ vì khi chúng phát hiện có hơi người là liền bỏ tổ. Có thể nói anh Sa Lê là nông dân đầu tiên ở An Giang có sáng kiến nuôi le le thịt và le le cho sinh sản với quy mô lớn, hiện anh đang làm hồ sơ gởi Chi cục Kiểm lâm An Giang xin đăng ký trại nuôi le le sinh sản. Với diện tích chuồng trại khoảng 300 m2, năm nào anh Sa Lê cũng thả nuôi trên 500 con, sau khi trừ hết các chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng.

>> Hiện nay, trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản miền Tây đều giới thiệu món le le xào bầu, le le nấu cháo, le le quay nước dừa … và coi đây như là món ngon hảo hạng.

Ngọc Trinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *