Bốn khuyến cáo nông dân nuôi heo trước khi tái đàn sẽ góp phần giúp kiểm soát dịch bệnh và lợi nhuận trong chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Mạng lưới thú y cơ sở còn mỏng
Nói về thuận lợi, khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, ông Lưu Hoàng Ly chia sẻ: Hiện đa số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên heo đã có vacxin phòng bệnh. Bên cạnh đó, hàng năm UBND tỉnh Bạc Liêu đều có kế hoạch hỗ trợ nông dân một phần vacxin và hóa chất sát trùng vệ sinh chuồng trại phòng ngừa dịch bệnh.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có một số cơ sở nuôi heo quy mô lớn từ 2.000 – 3.000 con và quy mô vừa 100 – 200 con thực hiện rất tốt việc phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh trong cơ sở. Tình hình dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi đã được kiểm soát, từ đầu năm 2023 đến nay không phát hiện ổ dịch nào trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, bên cạnh những thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong phòng, chống dịch khi nghề chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đa số là nuôi phân tán, nhỏ lẻ không tập trung.
Ngoài một số ít cơ sở nuôi heo đầu tư hạ tầng chuồng trại, phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh đảm bảo an toàn dịch bệnh, phần lớn nông dân còn nuôi theo kiểu truyền thống, tận dụng nguồn thức ăn cặn thừa. Đây chính là nguồn nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.
Trình độ chăn nuôi của nông dân còn hạn chế, hạ tầng chuồng trại yếu kém, khó kiểm soát dịch bệnh. Nông dân chăn nuôi heo chưa chủ động trong việc tiêm phòng vắc xin cho đàn heo. Không hoặc ít tiêu độc định kỳ môi trường chăn nuôi. Mặc dù dịch bệnh dịch tả heo châu phi đã được kiểm soát tuy nhiên dịch bệnh vẫn có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nếu chưa có vắc xin phòng bệnh hữu hiệu.
Song song, ý thức của một bộ phận nhỏ người dân chưa cao trong việc giết mổ heo, mua bán heo, khai báo dịch bệnh, vẫn còn tình trạng giết mổ lậu tại nhà, mua bán heo mắc bệnh làm cho mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn và có thể lây lan rộng.
Thêm một thực trạng là hiện nay hệ thống mạng lưới thú y cơ sở mỏng, phát hiện dịch bệnh không kịp thời, chính vì vậy rất cần sự chung tay của nông dân trong việc khai báo dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Bốn khuyến cáo trước khi để tái đàn heo
Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, Lưu Hoàng Ly cho biết: Việc tái đàn heo hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân để tái đàn, như hỗ trợ thiệt hại khi heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu phi, hỗ trợ một phần vắc xin và hóa chất sát trùng phòng dịch, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho nông dân…
Tuy nhiên, việc tái đàn heo vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi gây chết heo hàng loạt trên 7/7 huyện, thị xã, thành phố có thời điểm trùng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau dịch, một bộ phận nông dân vô cùng khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không khả năng tái đàn.
Cùng với đó, giá thức ăn tiếp tục tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và lợi nhuận của nông dân. Thiếu nguồn cung con giống do người dân giảm đàn heo nái, giá heo hơi đang chững lại hoặc sụt giảm, chưa có định mức giá cố định cho mặt hàng này.
Trước thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã có bốn khuyến cáo trong việc tái đàn heo hiện nay: thứ nhất, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung, số lượng heo lớn để tăng lợi nhuận. Tiếp tục đầu tư hạ tầng chuồng trại để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh xâm nhập.
Thứ hai, quản lý, giám sát chặt chẽ đàn heo, chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh như: Thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn heo, vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ chuồng trại, dụng cụ, khu vực xung quanh, có biện pháp ngăn ngừa vật chủ trung gian mang mầm bệnh vào khu nuôi.
Thứ ba, tạo đàn heo nái cơ bản để vừa tự chủ động được nguồn con giống vừa ngăn ngừa được rủi ro mầm bệnh nguy hiểm xâm nhập vào chuồng trại nuôi.
Thứ tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi heo, xác định chăn nuôi heo là một nghề chứ không phải công việc phụ để tăng thu nhập.
Trọng Linh
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam