Là người tiên phong nuôi giống bò 3B, anh Phạm Văn Hưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) không chỉ xây dựng nên mô hình mới triển vọng trong phát triển kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi bò 3B của mình, anh Hưởng hào hứng chia sẻ: Sau 1 năm chăm sóc, đàn bò của tôi đang rất khỏe mạnh, phát triển tốt. Trọng lượng của bò đã tăng gấp đôi so với thời gian đầu, mỗi con nặng từ 750 – 800 kg. Dự kiến lứa bò đầu tiên sau khi xuất bán sẽ cho thu nhập trên 900 triệu đồng.
Mô hình nuôi bò 3B của anh Phạm Văn Hưởng.
Theo anh Hưởng, sau khi tìm hiểu qua sách báo, anh rất ấn tượng với tiềm năng của bò 3B. Đây là giống bò có trọng lượng lớn, thịt thơm ngon, được coi là “cỗ máy sản xuất thịt”. Giá trị kinh tế của bò 3B cũng cao hơn nhiều so với bò truyền thống. Không những vậy, nhờ có sức đề kháng tốt nên bò 3B ít bị bệnh, quá trình chăm sóc cũng không quá phức tạp. Nếu được nuôi theo phương pháp khoa học, trọng lượng mỗi con bò có thể lên đến 1,2 tấn.
Để thành công, anh Hưởng lặn lội đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Đầu năm 2022, anh thuê lại 2.000m2 đất nông nghiệp của các hộ dân không canh tác để xây dựng mô hình. Với số vốn 800 triệu đồng, anh cho xây chuồng trại kiên cố rộng 200m2 và đưa 20 con bò 3B về nuôi. Diện tích đất trống được anh cải tạo, trồng thử nghiệm các loại cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò. “Thời tiết tại địa phương rất phù hợp để nuôi giống bò này. Thức ăn dành cho bò chủ yếu là ngô, cỏ được ủ lên men vi sinh hoặc cám gạo, bã bia và bã đậu tương. Trên địa bàn xã Quỳnh Giao có rất nhiều hộ dân trồng ngô ngọt nên có thể tận dụng làm thức ăn cho bò” – anh Hưởng cho biết.
Bên cạnh đó, mô hình của anh Hưởng còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương. Công việc chủ yếu là chăm sóc bò và thu mua cây ngô, cám gạo, bã bia của người dân. Nhìn đàn bò khỏe mạnh, béo tốt do chính tay mình chăm sóc, ông Hoàng Hữu Tính cho biết: Trước đây, thu nhập chính của gia đình tôi chủ yếu đến từ mấy sào ruộng và nuôi bò truyền thống. Từ khi làm việc tại mô hình của anh Hưởng, tôi có thể phát huy kinh nghiệm chăn nuôi của mình và có thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng. Công việc không quá vất vả, chỉ cần cho bò ăn theo đúng quy trình, cứ 7 giờ sáng cho ăn, 10 giờ cho bò ngủ, đến chiều lại cho ăn. Giống bò này có sức ăn rất tốt nên luôn phải bảo đảm đầy đủ thức ăn, nước uống theo từng giai đoạn phát triển. Chuồng nuôi phải luôn thoáng mát, sạch sẽ và thường xuyên tắm rửa cho đàn bò.
Mô hình nuôi bò 3B của anh Phạm Văn Hưởng.
Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi bò 3B nên anh Hưởng cũng gặp không ít khó khăn. Từng có thời điểm bò bị ốm, mắc bệnh viêm da nổi cục khiến anh rất lo lắng. Bằng sự nhanh nhạy và chăm chỉ, anh đã nhanh chóng tìm được giải pháp để chữa trị cho đàn bò. Chia sẻ về dự định của mình, anh Hưởng cho biết: Sau khi xuất bán thành công lứa bò đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại, tăng gấp đôi số lượng bò và kết hợp nuôi bò nái để tự cung cấp nguồn giống.
Nhận xét về mô hình của anh Hưởng, ông Nguyễn Đình Thiệu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giao cho biết: Không chỉ hăng say phát triển kinh tế, với cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Hưởng luôn gương mẫu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, anh cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hội viên làm giàu chính đáng. Mô hình nuôi bò 3B thương phẩm là mô hình kinh tế mới nhưng đã tận dụng được những lợi thế của địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi để người nông dân áp dụng vào thực tiễn; liên kết với ngân hàng cho các chủ mô hình vay vốn lãi suất thấp đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Nguyễn Quang
Nguồn: Báo Thái Bình