Xuất khẩu chăn nuôi… lối đã mở

(Người Chăn Nuôi) – Việt Nam có ngành chăn nuôi rất phát triển, tổng đàn gia súc, gia cầm luôn có sự tăng trưởng qua hàng năm. Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì phần lớn sản phẩm chăn nuôi của nước ta vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa, số lượng xuất khẩu chiếm thị phần rất nhỏ. Để thay đổi cục diện, ngành chăn nuôi đang tích cực chuyển mình.

Nhiều cơ hội ra thế giới

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tổng lượng thịt nước ta sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn; Sản lượng trứng gia cầm, thủy cầm là 17 tỷ quả/năm. Tuy nhiên, phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu rất thấp.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu các sản phẩm thịt và trứng của Việt Nam ước đạt 361,4 triệu USD, giảm 8,4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 90,3 triệu USD, giảm 2,2%; Thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 87,3 triệu USD, tăng 0,4%. Mặc dù vẫn chưa thể bật tăng ngay lập tức, thế nhưng ngành chăn nuôi có rất nhiều triển vọng. Hiện, nước ta đã ký kết 17 FTA, trong đó có các FTA nổi bật như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chiếm lĩnh thêm thị phần mới.

chế biến thịt gà

Dây chuyền chế biến thịt gà của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Đại diện Cục Thú y cho biết, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã được xuất khẩu thịt gà chế biến sang 7 thị trường. Cùng đó, lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu thịt bò sang Hàn Quốc. Ngoài ra, thịt heo choai, thịt heo mảnh, trứng gia cầm… cũng được xuất khẩu sang một số thị trường. Cục Thú y vẫn tích cực đàm phán với các nước khác để mở rộng thị trường cho sản phẩm chăn nuôi.

 

Đi tìm giải pháp

Hiện nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, đưa ngành hàng này vào đội ngũ “tỷ đô” trong xuất khẩu. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn mới, đẩy mạnh xuất khẩu cũng được đặt ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều này không dễ dàng vì chăn nuôi Việt Nam còn nhiều vướng mắc.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, muốn tận dụng tốt cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu, sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng các quy định về kiểm dịch động vật. Đồng thời, thường phải có hiệp định về kiểm dịch động vật giữa Việt Nam và các nước. Thêm vào đó, phải đáp ứng được quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và các quy định, yêu cầu về môi trường, phúc lợi động vật trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển.

Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu còn phải cạnh tranh về giá, bởi hầu như giá thành các vật nuôi của nước ta đều ở mức cao. Đơn cử như giá heo hơi của Việt Nam hiện gần 3 USD/kg, trong khi tại Mỹ giá này là 1,1 USD/kg.

Quan trọng hơn là ngành chăn nuôi phải thực sự kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, tập trung đầu tư nguồn lực, xây dựng thành các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh. Bởi hiện nay cả nước vẫn có dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng, Dịch tả heo châu Phi (ASF) hay cúm gia cầm còn xảy ra và kéo dài. Vì vậy, không đáp ứng được rào cản thú y của các thị trường. Vậy nên, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thì vẫn cần rất nhiều thời gian và còn nhiều việc phải làm.   

Một số điểm nhấn xuất khẩu

• Năm 2018, lần đầu tiên thịt heo của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài. Lô hàng đó của Tập đoàn Mavin. Đây là lô sản phẩm thịt heo sạch từ nguồn, an toàn vệ sinh tuyệt đối và có thể truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên đến nay, số doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường nước ngoài bằng đường chính ngạch vẫn vô cùng ít ỏi.

• Năm 2017, Công ty TNHH Koyu & Unitek đưa những lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, chính thức khơi mở được một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Tháng 10/2022, CPV Food là công ty thứ 2 làm được điều này với việc đưa lô thịt gà 33,6 tấn gà xuất khẩu sang Nhật Bản.

• Ngoài những mặt hàng chủ lực là heo và gà, ngành chăn nuôi còn có nhiều mặt hàng đầy tiềm năng cho xuất khẩu, trong đó phải kể đến yến sào hay mật ong. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, tổ yến của Việt Nam đã xuất sang Mỹ, Australia, New Zealand, Trung Quốc… với giá trung bình 1.500 – 2.000 USD/kg thành phẩm, thu về 100 – 125 triệu USD/năm. Mới đây, tổ yến của Việt Nam đã chính thức lấy được “giấy thống hành” tại thị trường Trung Quốc, mở ra triển vọng sáng cho mặt hàng này.

Phan Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *