Là một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm, anh Lưu Đức Thuận, thôn Đoàn Kết, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã tận dụng lợi thế tự nhiên của địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để gây dựng mô hình nuôi lợn, gà quy trình “sạch”. Sau nhiều năm, mô hình đã phát triển thành công, đem đến cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, sau khi học hết THPT, anh Thuận đã học nghề cơ khí và vay vốn mở xưởng sản xuất. Tuy nhiên, công việc khá vất vả, thu nhập không đủ trang trải cho gia đình nên năm 2014, anh quyết định đóng xưởng.
Nhận thấy nghề chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập ổn định, hơn nữa ở quê đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi dồi dào, anh Thuận mạnh dạn phát triển mô hình trang trại chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, với quy trình sạch, khép kín.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Lưu Đức Thuận, thôn Đoàn Kết, xã Đồng Quế mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đầu tiên, anh Thuận tập trung đầu tư chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Mặc dù hiệu quả chăn nuôi khá cao nhưng sau mỗi lứa xuất bán, nguồn giống để chăn nuôi lứa mới lại khan hiếm. Để chủ động nguồn con giống cho trang trại gia đình mình, đồng thời, đáp ứng nhu cầu lợn giống cho bà con địa phương, anh đã vay vốn để đầu tư trang trại chăn nuôi lợn tập trung.
Trên diện tích vườn đồi khoảng 500 m2, anh xây dựng hệ thống chuồng trại bao gồm các khu nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản và khu nuôi lợn con. Trong mỗi khu chuồng trại được đầu tư bể tắm, hệ thống ăn uống bán tự động, hệ thống đèn điện sưởi ấm đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của đàn lợn.
Anh Thuận chia sẻ: “Để đàn lợn luôn khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, hằng tháng, tôi đều đặn tiến hành phun thuốc khử mùi 2 lần nên chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ, loại trừ nguy cơ mầm bệnh. Đồng thời, tôi cũng học hỏi, tham khảo kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng cho đàn lợn đầy đủ, đúng quy trình. Nguồn thức ăn chăn nuôi cũng phải đảm bảo, chủ yếu là các loại ngô, lúa, rau xanh được thu mua của nông dân trong vùng”.
Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín và tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, anh Thuận xuất bán vài chục con lợn thịt và hàng trăm con lợn giống cho thị trường trong và ngoài huyện. Trừ hết chi phí, anh thu lãi khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi lợn.
Thành công với mô hình chăn nuôi lợn, anh Thuận tiếp tục đầu tư chăn nuôi gà thịt. Ban đầu, anh chỉ nuôi thử 1.000 con, khi thấy hiệu quả, anh đã gom hết số vốn đã tích lũy được xây dựng chuồng trại và nhập thêm gà về nuôi.
Anh thuê đất xây dựng trang trại nuôi gà với diện tích chuồng khoảng 1.000 m2, được trang bị hệ thống sưởi ấm, nước tự động, ứng dụng nền đệm lót sinh học… với tổng kinh phí đầu tư là 500 triệu đồng.
Nhờ nắm vững kiến thức chăn nuôi nên anh luôn chủ động việc chọn lựa con giống, cách phòng bệnh, đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi đúng kỹ thuật cho đàn gà. Anh nuôi loại gà lai Hồ theo phương pháp thả rông trong vườn đồi nên chất lượng thịt gà thơm ngon.
Để tìm kiếm thị trường đầu ra, anh Thuận đã liên kết với những người cùng chăn nuôi qua các hội, nhóm và tăng cường quảng bá sản phẩm qua mạng Internet. Nhờ đó, lái buôn biết đến trang trại chăn nuôi gà đồi của anh ngày càng nhiều.
Trung bình mỗi năm, anh nuôi luân phiên 3 lứa, mỗi lứa hơn 3.000 con. Thị trường tiêu thụ gà thương phẩm của trang trại chủ yếu là các địa phương trong tỉnh và các tỉnh thành thành khác như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội…
Với sự nhạy bén, năng động, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đến nay, chàng trai 9X Lưu Đức Thuận đã có được những thành công từ khá sớm. Mô hình phát triển chăn nuôi lợn và gà thịt đã đem đến cho anh tổng thu nhập khoảng 700 – 800 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Thành công nhờ mô hình trang trại chăn nuôi của anh Thuận đã chứng minh cho nhiều bạn trẻ thấy rằng làm nông nghiệp, chăn nuôi ở quê hương vẫn có thể làm giàu khi có kiến thức và sự kiên trì.
Không chỉ vậy, từ mô hình đó, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân đến trang trại học tập và tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật để bà con nhân rộng mô hình chăn nuôi, nhằm khai thác, phát triển kinh tế dựa trên lợi thế của địa phương.
Bài, ảnh: Thảo My
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc