5 dấu mốc thị trường thịt heo toàn cầu

(Người Chăn Nuôi) – Trong báo cáo gần đây về thương mại thịt heo toàn cầu, Rabobank nhận định, tiêu thụ sản phẩm này đã sẵn sàng tăng trưởng. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thịt heo cũng vì vậy mà gay gắt hơn.

Theo báo cáo của Rabobank, lợi thế sẽ rơi vào tay các nước sản xuất thịt heo giá rẻ như Brazil và Mỹ. Trong khi đó, vị thế của ngành thịt heo châu Âu dự kiến sẽ suy yếu do sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường cùng với yêu cầu pháp lý liên quan đến phúc lợi và tính bền vững trong chăn nuôi heo.

“Cú hích” tiêu dùng

Tiêu dùng tăng cao đã hỗ trợ thương mại thịt heo toàn cầu trở nên sôi động hơn. Theo Eva Gocsik, một chuyên gia phân tích ngành hàng protein động vật tại Rabobank lưu ý rằng tiêu thụ thịt heo toàn cầu dự kiến đạt mức tăng trưởng kép 0,7% trong giai đoạn 2022 – 2030.

Trong năm 2024, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tiếp tục tăng mạnh do lạm phát hạ nhiệt và ngành chăn nuôi heo cũng tăng theo mức độ phục hồi sau đại dịch tả heo châu Phi (ASF) ở châu Phi, châu Á và Ðông Nam Á. Trong dài hạn, tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu để bù đắp cho sự sụt giảm tiêu dùng vẫn đang diễn ra ở châu Âu.

tiêu thụ thịt heo

Tyson luôn chia sẻ qua các diễn đàn bí quyết và phương pháp chăn nuôi tiên tiến nhất toàn cầu. Ảnh: AP

Lợi thế chi phí của Brazil

Tỷ giá hối đoái và chi phí vận chuyển, lao động cũng như chi phí chăn nuôi heo là những yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu thịt heo toàn cầu. Gocsik đánh giá, Brazil đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm trên thị trường thịt heo toàn cầu vào năm 2022 và chiếm 24% khối lượng nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc. Do đó, vị thế nhà cung cấp thịt heo lớn thứ 2 tại thị trường Trung Quốc tiếp tục được giữ vững. Các hãng sản xuất thịt heo Brazil vẫn đang duy trì lợi thế chi phí sản xuất so với các nhà xuất khẩu thịt heo của châu Âu.

Bắc Mỹ – vùng chăn nuôi chủ chốt

Mỹ và Canada tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu thịt heo giá rẻ nhờ chi phí thức ăn chăn nuôi phải chăng và khả năng tiếp cận được thị trường trọng điểm. Giá trị ngành hàng thịt heo của hai “cường quốc” này có thể tiếp tục đi lên sau khi hai bên cùng gia tăng các sáng kiến hợp nhất và bền vững. Dù vậy, xuất khẩu thịt heo cùng nhiều loại thịt khác của Mỹ và Canada sẽ là một trong những yếu tố chi phối thương mại thịt heo toàn cầu.

Châu Âu – chi phí sản xuất tăng

Tại châu Âu, việc siết chặt và tăng cường tiêu chuẩn về phúc lợi động vật và tính bền vững đòi hỏi các nhà sản xuất phải chi thêm nhiều khoản đầu tư không nhỏ. Mặc dù xuất khẩu thịt heo của châu Âu vẫn đang duy trì ở mức tương đối tốt nhưng dự đoán sẽ giảm do chi phí sản xuất vẫn tiếp tục leo thang.

Áp lực dịch bệnh

Gocsik cho biết, dịch tả heo châu Phi (ASF) tiếp tục hoành hành khắp và tác động trực tiếp đến các nước nhập khẩu ở châu Á và gián tiếp đến xuất khẩu ở châu Âu thông qua hạn chế thương mại và biến đổi hình thức thương mại ngành hàng thịt heo toàn cầu. Trong khi đó, một số khu vực vẫn đang thử nghiệm vaccine và chỉnh sửa gen để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Dũng Nguyên

Theo Pigprogress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *