Đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 30 hộ thuộc 6 xã của các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân và TX Hồng Lĩnh, buộc tiêu huỷ 100 con lợn. Ngoài ra, dịch lở mồm long móng xảy ra tại xã Xuân Hội (Nghi Xuân) cũng khiến 25 con trâu, bò mắc bệnh.
Trước đó chưa lâu, Hà Tĩnh hứng chịu đợt mưa lớn kéo dài làm cho nhiều khu vực chăn nuôi, chuồng trại bị ngập lụt khiến môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, các loại mầm bệnh lưu lại trong môi trường. Hơn nữa, thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm đang là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xâm nhập.
Tiêm phòng các loại vắc xin là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Giai đoạn cuối năm, nông dân đang tập trung tái đàn, tăng đàn vật nuôi để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động chăn nuôi dịp cuối năm, các địa phương đang tập trung rà soát tổng đàn và tiến hành tiêm phòng bổ sung các loại vắc – xin trên đàn gia súc, gia cầm.
Huyện Cẩm Xuyên có tổng đàn vật nuôi lớn với 4.000 con trâu, bò; trên 50.000 con lợn; hơn 1 triệu con gia cầm. Trên địa bàn cũng đang xảy ra DTLCP nên công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm càng được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “3 xã (Nam Phúc Thăng, Cẩm Quan và Cẩm Dương) đang ghi nhận DTLCP, buộc tiêu hủy 50 con lợn. Mặc dù tiêm phòng đợt II/2023 đã kết thúc vào ngày 7/10/2023 với tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm các loại vắc xin khá cao (trâu, bò đạt 79% tổng đàn, lợn đạt 63% tổng đàn và gia cầm đạt 60% tổng đàn), song, để khống chế dịch bệnh lây lan, ngoài chủ động các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, huyện đang chỉ đạo 22 xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin bổ sung. Huyện phấn đấu “phủ sóng” các loại vắc xin trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm”.
Là địa phương nằm trong vùng dịch với 2 hộ ghi nhận có lợn bị DTLCP, hiện nay, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) một mặt tập trung khoanh vùng dập dịch, mặt khác đẩy mạnh tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin trên đàn vật nuôi.
Lực lượng thú y xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) tiêm phòng gia súc cho các hộ chăn nuôi.
Ông Chu Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan cho hay: “Trong kỳ tiêm phòng đợt II/2023, một số lượng gia súc, gia cầm chuẩn bị xuất chuồng, gia súc thả nuôi trong rừng… chưa được tiêm. Hiện nay, xã đang rà soát tổng đàn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tiêm phòng đối với 100% vật nuôi thuộc đối tượng”.
Huyện Đức Thọ hiện có 16.000 con trâu bò, 20.000 con lợn và 800.000 con gà. Kỳ tiêm phòng đợt II/2023, địa phương hoàn thành tiêm phòng vắc xin 80% trên đàn trâu bò, 96% trên đàn lợn và 40% trên đàn gia cầm.
Ông Hà Quang Thăng – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ thông tin: “Người chăn nuôi đang có xu hướng tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán. Tuy vậy, tính đến ngày 25/11/2023, tại xã Lâm Trung Thuỷ đã ghi nhận DTLCP trên địa bàn 6 thôn, buộc tiêu huỷ 39 con lợn của 12 gia đình. Để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại cho bà con nông dân, các địa phương đang huy động tối đa nhân lực, tiến hành tiêm các loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu bò; vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng trên đàn lợn; vắc xin cúm gia cầm”.
Ngành chuyên môn tổ chức tiêm phòng gia súc tại xã Đức Lạng (Đức Thọ)
Được biết, toàn tỉnh hiện có 400.332 con lợn, 169.107 con bò, 67.000 con trâu và hơn 10 triệu con gia cầm. Trong kỳ tiêm phòng đợt II/2023, các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trên 70% tổng đàn trâu bò, vắc xin tụ huyết trùng trên 63,3% tổng đàn trâu bò; vắc xin dịch tả lợn đạt 80,1% tổng đàn lợn, vắc xin tụ huyết trùng đạt 79,7% tổng đàn lợn; vắc xin cúm gia cầm đạt 34,5% tổng đàn.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh), để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục tổ chức rà soát, nắm chắc biến động tổng đàn; giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện sớm, xử lý dịch bệnh kịp thời. Cùng đó, khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng, mới nhập đàn, đảm bảo tiêm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn (tại thời điểm tiêm). Các địa phương cũng cần tiếp tục truyên truyền về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh; không giấu dịch; không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh…
Thu Phương
Nguồn: Báo Hà Tĩnh