2021: Sóng cả không ngã tay chèo

(Người Chăn Nuôi) – Năm 2021 vừa khép lại. Xuyên suốt 365 ngày đó, chăn nuôi Việt Nam nói chung, gia cầm nói riêng đã trải qua không ít thăng trầm, thậm chí có cả những “nốt lặng’. Làm thế nào để ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam “sóng cả không ngã tay chèo”?

Nghịch lý giá thức ăn và sản phẩm

Dịch bệnh COVID-19 làm đứt gẫy các chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng, khiến giá nguyên liệu sản xuất thức ăn toàn cầu tăng 30 – 40%. TS. Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Olmix (Pháp) phân tích, có 3 nhóm lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao trên toàn cầu. Ðầu tiên là do nguồn nguyên liệu dự trữ bị sụt giảm rất lớn, ví dụ như bắp giảm 30%, lúa mì giảm 22%… Nguyên nhân giảm nguồn nguyên liệu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến trồng trọt, cụ thể là hạn hán ở Mỹ, Nga, Brazil và lũ lụt ở Trung Quốc, Pháp. Yếu tố thứ 2 khiến giá TĂCN tăng cao là do chi phí vận chuyển tăng cao. Thứ 3 là nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu TĂCN của nhiều nước rất lớn. Cụ thể như Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu TĂCN trong những tháng đầu năm tăng gấp nhiều lần. Mặc dù Việt Nam là nước đứng đầu Ðông Nam Á, nằm top 10 thế giới về sản TĂCN, tuy nhiên, ngành này phải nhập tới 60 – 70% nguyên liệu đầu vào. Tính đến hết tháng 11/2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN tăng hơn 50% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 13 triệu tấn ngô, cám gạo, sắn làm TĂCN, trong khi nhu cầu hàng năm cần tới 26 – 27 triệu tấn các loại. Ngoài nguyên nhân do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, thị trường TĂCN trong nước còn chịu các tác động bất lợi có tính nội tại đó là do nhiều yếu tố khách quan. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận nhập nguyên liệu với giá cao hơn các nước 10 – 15%, thậm chí tới 20%. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn chưa thực sự chia sẻ với người chăn nuôi, lấy lý do nguyên liệu nhập từ trước nên mặc dù thị trường nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá TĂCN trong nước không giảm theo, cộng với chi cho các đại lý tới 20% doanh số làm cho giá thức ăn tăng ở mức khó chấp nhận. Vì những lý do trên, giá TĂCN trong nước tăng ngay từ những tháng đầu năm và tăng liên tục cho tới thời điểm hiện tại. Tính đến nay đã có 9 lần tăng giá TĂCN, với giá cao hơn 30 – 35% so cùng kỳ năm 2020.

gà công nghiệp trắng

Trong năm 2021, có thời điểm giá gà công nghiệp lông trắng ở mức thấp kỷ lục Ảnh: Listclever

Ngược lại với giá thức ăn, giá tất cả sản phẩm gia cầm đều giảm thấp, thậm chí thấp hơn giá thành 40 – 50%. Ðiển hình nhất là gà lông trắng, có giai đoạn xuống thấp dưới 7.000 đồng/kg, gà lông màu dưới 30.000 đồng/kg. Ðây là giá thấp nhất trong 15 năm qua. Mặc dù từ quý III/2021, giá các sản phẩm có xu hướng tăng lên nhưng mức tăng không cao và vẫn thấp hơn so cùng kỳ khoảng 15 – 20%. Khác với mọi năm vào đầu tháng 12 hàng năm là thời điểm giá gà, vịt nhích dần lên, tuy nhiên năm 2021 vẫn giữ ở mức thấp,

 

Khó chồng khó

Nguyên nhân khiến giá sản phẩm gia cầm giảm được các chuyên gia phân tích là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, mặt khác do thực hiện giãn cách giữa các địa phương nên gây khó khăn trong vận chuyển. Nguyên nhân lớn nhất là do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều, nhất là khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Ðợt dịch lần thứ 4 khiến hầu hết các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia cầm toàn quốc giảm 30% so cùng kỳ.

ngành gia cầm

Ngành gia cầm phải gánh chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 – Ảnh: Adobe Stock

Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), ngành đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có, lập 2 kỷ lục buồn, đó là giá thức ăn cao nhất và giá gia cầm thấp nhất từ trước đến nay. Ngoài khó khăn trên, còn có một số nguyên nhân khác gây khó khăn cho ngành gia cầm năm 2021 như: Một số thủ tục hành chính rườm rà, tốn kém như chi phí kiểm dịch, hợp quy TĂCN…, chi phí logicstic cao gấp 2 – 3 lần so các nước trong khu vực do phải tách chuyến, thêm chuyến trong thời điểm phòng chống dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải phát sinh thêm chi phí phòng chống dịch, chi phí cho 50% công nhân nghỉ việc luân phiên trong thời gian giãn cách, từ đó đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp lên gấp 2 – 3 lần. Việc nhập khẩu một số hàng hóa đầu vào phục vụ chăn nuôi như thuốc thú y, vaccine cũng gặp khó khăn do giá tăng cao hoặc ngưng trệ các chuỗi cung ứng. Mặc dù đã có chính sách của Nhà nước về gia hạn nợ, khoanh nợ, tái cấp vốn, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các chính sách này vì các ngân hàng thương mại đưa ra các quy định ngặt nghèo do tính độc lập tương đối của các ngân hàng không có vốn Nhà nước. Từ quý II/2021 trở đi, các doanh nghiệp gia cầm trong nước còn gặp khó trong việc cạnh tranh với thịt gà đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Do không bán được sản phẩm, cộng với chi phí tăng cao, các gói cứu trợ chưa đến tay các cơ sở sản xuất nhỏ, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. 

GS.TS Nguyễn Duy Hoan

Giảng viên Cao cấp Trường Ðại học Nông lâm Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *