Phòng trị bệnh viêm phổi ở dê

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh thường xuất hiện vào những thời kỳ chuyển mùa từ thu sang đông hoặc đầu mùa xuân. Các yếu tố bất lợi của môi trường như nhiệt độ thấp, gió lùa, chuồng trại ẩm ướt, chật, mất vệ sinh, dê dính mưa… làm tăng tỷ lệ dê mắc bệnh.

Nguyên nhân

Bệnh gây ra do vi khuẩn nhiễm phổi kết hợp với các tạp khuẩn khác có sẵn trong đường hô hấp của dê. Ngoài ra, bệnh có thể do một số loài Pastuerella như P. haemolytica hay P. multocida gây ra.

Vi khuẩn từ dê bệnh được thải ra môi trường theo dịch chảy ra từ mũi, miệng của chúng. Vi khuẩn có thể tồn tại khoảng 1 – 3 ngày trong môi trường, thường bị diệt dưới ánh nắng mặt trời và các thuốc sát trùng thông thường (nước vôi 10%, vôi bột).

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của dê. Vào thời điểm khí hậu ẩm ướt dê dễ mắc bệnh.

Phương thức truyền bệnh

Bệnh lây lan theo đường hô hấp: Dê khỏe hít thở không khí có mầm bệnh sẽ bị bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh 100% và tỷ lệ chết thường là 50 – 100%.

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh của dê là 3 – 4 ngày.

Khi dê, cừu mắc bệnh, thời gian đầu sốt cao khoảng 41 – 45,50C kéo dài 3 ngày, nước mắt dịch mũi chảy liên tục. Dê bắt đầu ăn kém hoặc bỏ ăn, ít vận động, luôn nằm một chỗ. Niêm mạc mắt đỏ sẫm, thở khó tăng dần, ho nhiều, từ ho khan đến ho khạc ra dịch mũ khi bệnh đã trở nên trầm trọng.

Trường hợp dê mắc bệnh nặng nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, dê bị bệnh cấp tính có thể chết nhanh, từ 4 – 6 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên.

Bệnh có thể chuyển sang dạng mãn tính. Dê trông ốm yếu, gầy còm, ho thở ngày một nặng, rất khó hồi phục lại và thường chết sau 30 – 45 ngày vì xung hô hấp.

Bệnh tích

Một số dấu hiệu khi mổ khám dê bệnh: niêm mạc mũi, phế quản và tiểu phế quản tụ huyết xuất huyết, có nhiều dịch và bọt khí, các trường hợp có nhiễm ghép tụ cầu khuẩn thì đều có dịch mủ trong các tiểu phế nang và tiểu thùy phổi.

Ở các trường hợp mãn tính thường có dấu hiệu như: Có màng giả ở niêm mạc phế quản và một số tiểu thùy phổi viêm xơ hóa có màu nâu đỏ như màu thịt.

Chẩn đoán

Có thể dựa vào các dấu hiệu lâm sàng như: sốt cao, thở khó và ho tăng dần, có dịch mũi chảy ra từ mũi… để xác định được bệnh.

Cần thực hiện các xét nghiệm vi khuẩn từ bệnh phẩm giúp cho việc xác định vi khuẩn gây bệnh chính xác hơn.

Điều trị

Cần phát hiện sớm dê ốm để cách ly và điều trị kịp thời. Đối với những dê bị bệnh, sử dụng một trong các loại kháng sinh sau đây, dùng trong 4 – 5 ngày liên tục: Tylosin, liều 11 mg/kg khối lượng/ngày; Gentamycine, liều 15 mg/kg khối lượng/ngày; Streptomycine, liều 30 mg/kg khối lượng/ngày.

Bên cạnh đó, kết hợp trợ sức và hộ lý: Dùng Vitamin B1, Vitamin C; Truyền tĩnh mạch huyết thanh mặn hoặc ngọt đẳng trương; Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.

Ngoài ra, người nuôi có thể dùng phối hợp hai kháng sinh sau đây:

– Tiamulin: dùng liều 1 ml cho 10 kg trọng lượng, dùng liên tục trong 5 – 6 ngày.

– Oxytetracylin: có thể dùng loại chậm hoặc nhanh với liều 30 mg cho 1 kg thể trọng dê, dùng thuốc liên tục 5 – 6 ngày. Chú ý: Hai kháng sinh trên không được tiêm chung một ống tiêm vì sẽ làm kết tủa thuốc.

Phòng bệnh

Để giảm tối thiểu mức độ mắc bệnh và làm cho dê phát triển tốt, điều cần thiết là nuôi nhốt chúng ở chuồng trại sạch sẽ. Thông thường, nơi làm chuồng nuôi phải cao ráo, cách xa nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, kênh rạch), xa nơi nhà ở, đường đi. Ngoài ra, chọn những nơi có trồng cây tạo bóng mát, thuận tiện cho việc cung cấp thức ăn, nước uống, dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là tuyệt đối không xả chất thải ra môi trường xung quanh.

Giống như chuồng nuôi của các loài vật khác, mặt trước của chuồng nuôi dê nên quay về hướng Đông, Nam, hoặc Đông Nam. Thực hiện như vậy thì chuồng nuôi sẽ thoáng mát, khô ráo nhờ ánh mặt trời chiếu vào buổi sáng. Điều cần thiết là phải đảm bảo chuồng trại thông thoáng, chống ngột ngạt. Đặc biệt ở mùa đông khi trời lạnh, độ ẩm cao, không khí ngột ngạt có thể gây thêm một số bệnh khác. Không được để dê bị ướt nước mưa.

Hằng ngày nên thực hiện dọn dẹp, thu gom, xử lý phân, nước tiểu, thức ăn, nước uống còn thừa. Thông thường, dê không thích sử dụng thức ăn cũ, thức ăn rơi vãi, không uống nước có cặn. Vì vậy, cần lưu ý vệ sinh máng ăn, máng uống trước khi cho cho dê ăn.

Hàng ngày phải kiểm tra bệnh tật từng con, thường xuyên kiểm tra ve, ghẻ và giun sán. Cắt móng chân thường xuyên.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho dê khi có điều kiện. Hiện nay đã có vaccine chủng ngừa nhưng chưa được sản xuất ở nước ta và cũng chưa được nhập nội.

Vệ sinh nước uống: có thể dùng Chloramine B hoặc Chloramine T để khử trùng nước trước khi sử dụng.

Định kỳ phải thực hiện việc tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Lịch trình thực hiện: tối thiểu từ 1 – 2 tuần/lần. Người chăn nuôi cần lưu ý phải thực hiện vệ sinh cơ giới trước khi tiêu độc sát trùng để tăng hiệu quả hoạt động.

Hóa chất sử dụng để tiêu độc sát trùng: nên chọn những loại dễ tìm, sử dụng, không ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Hiện nay, người chăn nuôi có thể chọn một trong những hóa chất như: Biodine, Benkocide, Chloramine  B, Chloramine T, Vikon S.

Có một lưu ý khá quan trọng nhưng thường chưa được nhiều người nuôi chú ý đến trong việc chăn nuôi đó chính là chế độ ăn của dê. Thức ăn cho dê phải đảm bảo chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý cho từng giai đoạn nuôi. Nước uống phải sạch, thường xuyên rửa máng nước và thay nước mới.

Thái Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *