Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang thị trường hàng đầu Mexico vượt xa tốc độ kỷ lục năm ngoái; xuất khẩu thịt bò sang Caribe đạt kỷ lục lớn nhất.
Xuất khẩu thịt lợn tăng cả khối lượng và kim ngạch
Theo số liệu của USDA và Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ tháng 2/2024 tăng do xuất khẩu sang Tây bán cầu, Hàn Quốc và Australia tăng trưởng. Khối lượng xuất khẩu thịt bò giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng 10%.
Xuất khẩu thịt lợn tháng 2/2024 tăng 14% so với tháng 2/2023 lên 250.930 tấn, giá trị tăng 15% lên 685,1 triệu USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng 10% cả về khối lượng (502.354 tấn) và giá trị (1,37 tỷ USD). Xuất khẩu sang thị trường hàng đầu Mexico đang vượt xa tốc độ kỷ lục của năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung và Nam Mỹ, Châu Đại Dương và Caribe cũng có xu hướng tăng cao.
Xuất khẩu sang Mexico đạt tổng cộng 196.452 tấn, trị giá gần 397 triệu USD, tăng lần lượt 12% và 15% so với cùng kỳ năm 2023; giá trung bình là 61,45 USD/con lợn, tăng 4%. Xuất khẩu chiếm 25% trong tổng sản lượng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang Hàn Quốc tháng 2/2024 đạt 21.217 tấn, tăng 71% so với tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu tăng 74% lên 69,3 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng 61% về lượng (41.944 tấn) và 62% về giá trị (137 triệu USD).
Xuất khẩu thịt lợn sang Nam Mỹ trong tháng 2/2024 tăng 58% so với tháng 2/2023 lên 13.132 tấn, giá trị tăng 65% lên 37,9 triệu USD. Tính chung 2 tháng, xuất khẩu sang khu vực này đã tăng 56% lên 24.596 tấn, trị giá gần 70 triệu USD. Xuất khẩu sang Colombia tăng mạnh trong quý IV/2023 và đà đó vẫn tiếp tục, với xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 tăng 56% về lượng (21.710 tấn) và tăng 70% về giá trị (59,5 triệu USD). Xuất khẩu tháng 2/2024 sang Colombia cao thứ tư từ trước đến nay với 11.262 tấn, tăng 56% so với tháng 2/2023, trị giá 31,4 triệu USD (tăng 71%). Xuất khẩu thịt lợn sang Chile 2 tháng đầu năm 2024 tăng 87% lên 2.317 tấn, giá trị cũng tăng 70% lên 8 triệu USD.
Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang các thị trường khác bao gồm:
Xuất khẩu thịt lợn sang Trung Mỹ vẫn tăng rất mạnh do sự tăng trưởng vượt trội ở El Salvador, Costa Rica, Nicaragua và Panama. Trong hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang khu vực này tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 24.055 tấn, trị giá 72,4 triệu USD – tăng 26%. Khối lượng xuất khẩu sang các thị trường hàng đầu là Honduras và Guatemala giảm nhẹ, mặc dù giá trị xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng cao.
Xuất khẩu thịt lợn sang Caribe năm ngoái tăng chủ yếu do Cộng hòa Dominica xuất khẩu đạt kỷ lục. Xuất khẩu sang Dominica năm 2024 tiếp tục tăng, nhưng giảm nhẹ so với khối lượng lớn của năm ngoái. Tuy nhiên, nhu cầu từ các thị trường khác ở Caribe đã đẩy xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 22.328 tấn, trị giá 63 triệu USD (tăng 2%), với mức tăng trưởng dẫn đầu là Trinidad và Tobago, Quần đảo Leeward-Windward, Cuba và Hà Lan.
Xuất khẩu thịt lợn 2 tháng đầu năm 2024 sang Australia đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tăng 232% lên 17.553 tấn, trị giá 62,9 triệu USD (tăng 229%). Do các hạn chế nhập khẩu, hầu hết thịt lợn Mỹ xuất khẩu sang Australia là nguyên liệu thô để chế biến tiếp, nhưng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng của Mỹ cũng thu hút được khách hàng.
Malaysia tiếp tục nổi lên như một thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn cho thịt lợn Mỹ. Tính chung 2 tháng, tổng khối lượng xuất khẩu sang Malaysia đạt 844 tấn, tăng 848% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu tăng 734% lên 2,5 triệu USD.
Bất chấp đồng yên yếu liên tục và các trở ngại kinh tế khác, xuất khẩu thịt lợn sang Nhật Bản vẫn khá ổn định trong năm 2024. Tính chung 2 tháng, xuất khẩu giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái cả về khối lượng (56.234 tấn) và giá trị (228,3 triệu USD).
Xuất khẩu nội tạng lợn 2 tháng đầu năm 2024 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 100.192 tấn, mặc dù giá trị giảm 3% xuống còn 215,4 triệu USD. Sự tăng trưởng về khối lượng được dẫn đầu bởi Mexico, Canada, Philippines, Hàn Quốc, Trung và Nam Mỹ, Caribe và Nhật Bản, bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc.
Giá lợn xuất khẩu tháng 2/2024 đạt trung bình 62,37 USD/con, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Mức trung bình 2 tháng đầu năm 2024 đạt 61,16 USD/con, cũng tăng 4%. Xuất khẩu chiếm 29,4% trong tổng sản lượng thịt lợn trong tháng 2/2024 và 25,4% đối với thịt cắt miếng, tăng lần lượt 28,3% và 23,8% so với tháng 2/2023. Tỷ lệ này trong 2 tháng đầu năm là 28,8% tổng sản lượng và 24,8% đối với thịt cắt miếng, mỗi mức cao hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thịt bò giảm khối lượng, tăng kim ngạch
Khối lượng xuất khẩu thịt bò tháng 2/2024 đạt 103.883 tấn, giảm 1% so với tháng 2/2023, nhưng giá trị xuất khẩu tăng 10% lên 830,4 triệu USD. Tính chung 2 tháng khối lượng xuất khẩu giảm 1% xuống còn 203.647 tấn, nhưng giá trị xuất khẩu tăng 9% lên 1,59 tỷ USD.
Xuất khẩu thịt bò tháng 2/2024 sang vùng Caribe đạt mức kỷ lục, nhu cầu từ Mexico, Trung và Nam Mỹ tiếp tục có xu hướng cao hơn. Xuất khẩu sang Đài Loan và Hàn Quốc cũng tăng.
Ông Halstrom – Chủ tịch của USMEF cho biết: Nguồn cung cấp thịt bò khan hiếm chắc chắn là một thách thức đối với các nhà xuất khẩu và tình trạng đó sẽ không sớm thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cơ hội hơn cho những loại thịt bò ít được sử dụng như thịt vai và nội tạng trên thị trường toàn cầu. Nhu cầu rất mạnh trên khắp Tây bán cầu và lĩnh vực dịch vụ ăn uống, khách sạn cũng là động lực ở các thị trường trọng điểm châu Á như Hàn Quốc, nơi tốc độ phục hồi sau COVID chậm hơn dự đoán.
Xuất khẩu thịt bò tăng ở nhiều thị trường trọng điểm
Mexico tiếp tục là điểm sáng cho xuất khẩu thịt bò của Mỹ, với lượng xuất khẩu trong tháng 2/2024 tăng 27% so với tháng 2/2023 lên 19.760 tấn. Giá trị xuất khẩu tăng 32% lên 120,5 triệu USD – mức cao thứ bảy từ trước đến nay. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mexico tăng 21% về khối lượng (39.871 tấn) và 25% về giá trị (233,3 triệu USD), trong đó tăng trưởng mạnh đối với cả thịt cắt miếng và nội tạng do đồng peso tăng mạnh, nhu cầu về thịt bò Mỹ của Mexico đã tăng lên ở cả dịch vụ thực phẩm và bán lẻ.
Khối lượng xuất khẩu thịt bò sang Hàn Quốc tháng 2/2024 giảm so với tháng 2/2023 (giảm 7% xuống 18.074 tấn), giá trị xuất khẩu tăng 12% lên 172,3 triệu USD. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm cũng giảm 4% xuống 36.863 tấn trong khi giá trị tăng 12% lên 342,8 triệu USD. Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã công bố các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng tăng giá thực phẩm, đặc biệt là đối với trái cây và rau quả. Giá cả tăng cao khiến quá trình phục hồi dịch vụ thực phẩm hậu Covid của Hàn Quốc càng trở nên khó khăn hơn, nhưng thịt bò Mỹ vẫn tiếp tục đạt được thành công trong phân khúc thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.
Xuất khẩu thịt bò tháng 2/2024 sang Caribe đạt kỷ lục lớn nhất với 2.955 tấn, tăng 25% so với tháng 2/2023, trong khi giá trị cao thứ tư ở mức 24,5 triệu USD (tăng 24%). Xuất khẩu sang Cộng hòa Dominica cao kỷ lục thứ năm cả về khối lượng (993 tấn, tăng 22%) và giá trị (10,8 triệu USD, tăng 40%). Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thịt bò sang Caribe đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước về khối lượng (5.639 tấn) và tăng 15% về giá trị (45,3 triệu USD), dẫn đầu là do tăng trưởng thịt bò bắp ở Antilles của Hà Lan và Quần đảo Leeward-Windward cũng như nhu cầu nội tạng tăng mạnh ở Trinidad và Tobago.
Xuất khẩu thịt bò của Mỹ sang các thị trường khác bao gồm:
Sau tháng 1/2024 tăng chậm, xuất khẩu thịt bò sang Đài Loan đã cải thiện đáng kể trong tháng 2/2024, tăng 15% so với tháng 2/2023 (và tăng 58% so với tháng 1/2024) lên 5.091 tấn. Giá trị xuất khẩu đạt 56,3 triệu USD, tăng 36% so với tháng 2/2023 và tăng 56% so với tháng 1. Mỹ là nước cung cấp thịt bò ướp lạnh chủ yếu của Đài Loan và USMEF tiếp tục giúp các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và người tiêu dùng làm quen với các loại thịt bò ướp lạnh thay thế mang lại trải nghiệm ăn uống chất lượng cao với giá cả phải chăng.
Xuất khẩu thịt bò của Mỹ sang Trung Đông 2 tháng đầu năm 2024 tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9.220 tấn do sự phục hồi nhu cầu về gan bò của Ai Cập và thịt bắp bò tăng mạnh ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Qatar và Bahrain. Giá trị xuất khẩu tăng 52% lên 39,3 triệu USD. Những lo ngại về an toàn ở Biển Đỏ và Vịnh Aden không ảnh hưởng đáng kể đến khối lượng thịt bò Mỹ vào khu vực Trung Đông, nhưng đã làm tăng chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển cũng như làm tăng mối lo ngại của người mua về nguồn cung sản phẩm.
Xuất khẩu thịt bò sang Nam Mỹ 2 tháng đầu năm tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.734 tấn, giá trị tăng 8% lên 18,9 triệu USD. Xuất khẩu thịt bò cắt miếng sang Colombia trong tháng 1/2024 giảm nhưng đã phục hồi trong tháng 2/2024, trong khi nhu cầu nội tạng bò tăng mạnh ở Peru và Chile.
Xuất khẩu thịt bò sang Trung Mỹ 2 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ năm trước lên 3.957 tấn; giá trị xuất khẩu tăng 15% lên 27,2 triệu USD do tăng trưởng ở Guatemala và Panama.
Xuất khẩu thịt bò tháng 2/2024 sang Trung Quốc giảm nhẹ so với tháng 2/2023 về khối lượng (15.219 tấn, giảm 2%) nhưng vẫn có xu hướng cao hơn về giá trị ở mức 133,8 triệu USD (tăng 2%). Tính chung 2 tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 7% xuống chỉ còn dưới 27.000 tấn, giá trị giảm 2% xuống còn 235,9 triệu USD. Sau đợt phục hồi vào năm 2023, xuất khẩu thịt bò sang Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, với xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 tăng 13% về lượng (5.655 tấn) và 35% về giá trị (65,9 triệu USD).
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu hàng đầu của thịt bò Mỹ trong năm 2024, xuất khẩu 2 tháng giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 41.280 tấn. Giá trị xuất khẩu giảm 2% xuống còn 301,2 triệu USD. Nội tạng bò – chủ yếu là lưỡi và diềm thăn bò – là sản phẩm chính ở Nhật Bản, với khối lượng xuất khẩu tăng 4% lên 7.284 tấn và giá trị tăng 22% đạt gần 10 triệu USD.
Xuất khẩu nội tạng bò 2 tháng đầu năm 2024 đạt 46.381 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, giá trị tăng 10% lên 177,4 triệu USD. Ngoài sự tăng trưởng nói trên ở Mexico, Nhật Bản, Ai Cập, Peru, Chile và Trinidad và Tobago, thì khối lượng cũng có xu hướng tăng cao ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Gabon, Cote d’Ivoire, Maroc, Guatemala và El Salvador.
Giá bò xuất khẩu tháng 2/2024 trung bình 412,79 USD/con, tăng 5% so với tháng 2/2023. Mức trung bình 2 tháng là 385,78 USD/con, tăng 7%. Xuất khẩu chiếm 14% trong tổng sản lượng thịt bò trong tháng 2 và 11,6% đối với thịt cắt miếng, giảm từ mức 14,6% và 12,4% tương ứng so với tháng 2/2023. Tỷ lệ này trong 2 tháng đầu năm 2024 là 13,3% tổng sản lượng (giảm so với 13,6% cùng kỳ năm trước). ) và 11,1% đối với thịt cắt miếng (giảm từ 11,6%).
Xuất khẩu thịt cừu tăng mạnh
Xuất khẩu thịt cừu của Mỹ tháng 2/2024 tiếp tục tăng mạnh, tăng 11% so với tháng 2/2023 lên 270 tấn. Giá trị xuất khẩu tăng 18% lên 1,5 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thịt cừu đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước lên 573 tấn, với giá trị tăng 34% lên 3,2 triệu USD, dẫn đầu là tăng trưởng ở Bahamas, Quần đảo Leeward-Windward và Canada. Xuất khẩu sang Mexico có xu hướng giảm về lượng nhưng vẫn tăng 26% về giá trị, đạt gần 600.000 USD.
Thủy Chung