Chăn nuôi tuần hoàn hướng tới nông nghiệp xanh

(Người Chăn Nuôi) – Một trong những thách thức của ngành chăn nuôi hiện nay đó là xử lý chất thải. Mỗi năm, các hoạt động chăn nuôi thải ra trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải, trong đó gần 80% chưa được xử lý. Do vậy, tạo lập môi trường tuần hoàn trong chăn nuôi là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.

Ngày 1/11/2023, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn “Thực hành môi trường tốt nhất sẵn có cho các trang trại chăn nuôi hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn”. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp và người dân tăng cường đối thoại chính sách và công nghệ quản lý môi trường trong chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch năng lượng.

Thực hành môi trường tốt nhất sẵn có cho các trang trại chăn nuôi hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn

Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự Diễn đàn.

Theo số liệu ước tính, hiện nay ngành chăn nuôi với khoảng 6,7 triệu con bò, 2,3 triệu con trâu, hơn 28 triệu con heo và khoảng 524 triệu con gia cầm đã tạo ra khoảng 95,8 triệu tấn chất thải rắn hữu cơ. Lượng chất thải này dự báo sẽ gia tăng, ngoài ra các dạng chất thải khác như bao bì đựng thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ dịch bệnh… cũng không ngừng tăng theo. Ngành chăn nuôi đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ưu tiên việc vận hành tái chế chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ là giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Thực hành môi trường tốt nhất sẵn có cho các trang trại chăn nuôi hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh chăn nuôi tuần hoàn là một trong trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Cần tích hợp nhiều giải pháp 

Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng, với sự quan tâm của Nhà nước, các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách đã được ban hành. Thời gian qua ngành chăn nuôi đã có những bước phát triển mạnh theo hướng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt tại các trang trại chăn nuôi lớn công tác xử lý môi trường được chú trọng. Chất thải nhất là chất thải rắn đã được tận dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thủy sản.

Tuy nhiên, theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Ngoài công nghệ sinh học để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi thì hiện nay chúng ta cần tích hợp nhiều giải pháp, nhiều công nghệ thì mới đáp ứng được nhu cầu như công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân, công nghệ vi sinh. Chăn nuôi trang trại phát triển ngày càng nhanh, nếu không xử lý được môi trường thì đó là sự cố nguy hiểm cho đời sống con người. Do vậy, các trang trại đều phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Hiện nay vấn đề này tại nhiều nơi vẫn chưa được xử lý triệt để. 

TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Tiếp cận và áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng là phương thức phù hợp để giải quyết vấn đề chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt các định hướng chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn đã được Đảng, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy. Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn sẽ góp phần giải quyết rủi ro về môi trường, giảm bớt mâu thuẫn giữa các trang tại chăn nuôi và người dân khu vực xung quanh, cũng như góp phần thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia.

Cũng tại Diễn đàn, trong khuôn khổ hai phiên làm việc buổi sáng và buổi chiều, các đại biểu đã trình bày 12 tham luận về chính sách, pháp luật và công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả. Một số vướng mắc, bất cập trong triển khai các quy định tại phương và các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại cũng đã được trao đổi. Các giải pháp công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí biogas cũng đã được các nhà khoa học, các doanh nghiệp thảo luận, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả cho các trang trại chăn nuôi.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày máy móc thiết bị xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Bên lề Diễn đàn còn có triển lãm với sự tham gia của 14 doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ máy phát điện biogas, thiết bị và các sản phẩm xử lý nước thải, chất thải, phân bón hữu cơ và cung cấp giải pháp năng lượng tái tạo. 

Thùy Khánh

(Bài và ảnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *