(Người Chăn Nuôi) – Sự kiện Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam) xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản mở ra một thời kỳ mới trong chăn nuôi gia cầm của Việt Nam. Việc xuất khẩu gà thành công sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới cho thấy, xuất khẩu gà Việt Nam đã có đủ tiềm lực để chinh phục các thị trường trên khắp thế giới.
Phát triển đúng hướng
Chăn nuôi gia cầm là một nghề truyền thống của Việt Nam, một quốc gia lúa nước. Nghề nuôi gà, thuần giống gà rừng thành gà nhà và kết hợp trồng trọt chăn nuôi đã là một truyền thống ngàn năm, ít nhất được ghi nhận trong các truyền thuyết “Voi chín ngà, gà chín cựa” trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh hay truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Tuy vậy, nhiều năm qua, nghề nuôi gà chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, quy mô nhỏ lẻ và chưa hình thành các vùng nuôi công nghiệp chất lượng cao. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam phát triển mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng lớn mà đang hướng tới xuất khẩu gà – một ngành kinh tế hết sức mới mẻ.
Xuất khẩu gia cầm vốn là một lĩnh vực rất công phu, đòi hỏi đầu tư dài hạn, vì các tiêu chí xuất khẩu gia cầm rất ngặt nghèo, đặc biệt sau khi thế giới trải qua đại dịch cúm gia cầm. Để có thể xuất khẩu gà sang Nhật Bản, Bộ NN&PTNN trong nhiều năm đã phối kết hợp với CPV Food triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh gia cầm, giám sát chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm; Thực hiện các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm đối với thịt gà chế biến xuất đáp ứng các yêu cầu của Nhật Bản.
Ngày 30/8/2022, kết luận của Đoàn kiểm tra thú y Nhật Bản (MAFF) khẳng định: Công ty TNHH CPV Food bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y của MAFF để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Lễ xuất khẩu lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên đến Nhật Bản của CPV Food. Ảnh: C.P. Việt Nam
Trong “Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm thịt gà đầu tiên của nhà máy CPV Food sang thị trường Nhật Bản”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Công ty C.P. Việt Nam, mà còn là động lực phát triển cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam.
Từ một quốc gia phải nhập khẩu gà từ nhiều quốc gia, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam đã có thể xuất khẩu gà đến 7 quốc gia, vùng lãnh thổ (bao gồm: Nhật Bản, Hồng Kông, Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan).
“Thời đại” của gà
Ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, đại dịch COVID-19 và cả tình hình chiến tranh, suy thoái kinh tế diễn ra nhiều nơi trên thế giới đã và đang gián tiếp và trực tiếp khiến thịt gà lên ngôi. Với giá cả hợp lý, dễ bảo quản, vận chuyển, thịt gà đang trở thành một mặt hàng thực phẩm ngày càng phổ biến trên thế giới.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), ước tính, năm 2022, tổng mức tiêu thụ thịt gà trên thế giới đã lên đến 98 triệu tấn, cao gấp đôi so với thời năm 1999. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt gà trên toàn cầu cao gấp 3 lần so với thịt heo và 10 lần so với thịt bò.
Dây chuyền chế biến thịt gà xuất khẩu của CPV Food. Ảnh: C.P. Việt Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền Việc xuất khẩu lô hàng sản phẩm thịt gà chế biến đầu tiên của Công ty TNHH CPV Food sang thị trường Nhật Bản – một thị trường đòi hỏi sản phẩm an toàn rất khắt khe – là bước ngoặt rất quan trọng, mở ra nhiều kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào những thị trường khó tính đầy tiềm năng. Hy vọng các sản phẩm thịt gà an toàn của Công ty không chỉ xuất sang Nhật Bản, mà còn mở rộng ra các thị trường khác như châu Âu, châu Á và Trung Đông. |
Một số quốc gia thậm chí còn cấm xuất khẩu thịt gà để tích trữ loại thực phẩm này. Chính phủ Malaysia từ đầu tháng 6/2022 đã cấm xuất khẩu gà sống để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định giá thịt gà trong nước. Lệnh cấm của quốc gia xuất khẩu gà đứng thứ 49 trên thế giới chỉ được tháo dỡ gần đây, khi thị trường được “hạ sốt”.
Tại Trung Quốc, quốc gia có 45 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, dù mức tăng trưởng chăn nuôi gia cầm gần 20% trong những năm gần đây, song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh trong chăn nuôi heo.
Nga, một trong những cường quốc xuất khẩu gà cũng đã mở cửa thị trường để nhập khẩu gà từ Việt Nam. Từ tháng 3/2020, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Công ty C.P. Việt Nam (Nhà máy thực phẩm Hà Nội) và tháng 6/2021, Cơ quan này tiếp tục cấp phép cho Công ty CPV Food được xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Liên bang Nga và các nước trong Liên minh kinh tế Á – Âu.
Theo Bloomberg, trong 10 năm qua, thịt gà đã soán ngôi vương của thịt bò và thịt heo để trở thành nguồn protein số 1 thế giới và “tình trạng này tiếp tục tăng nhanh thời lạm phát”.
Thời cơ lớn
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nhật Bản là một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới. Để xuất khẩu được vào thị trường khó tính này, Công ty C.P. Việt Nam đã phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chăn nuôi gia cầm trong nước đang hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Tính đến tháng 9/2022, tổng đàn gia cầm của cả nước tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2021. Ước tính 9/2022, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.467,1 nghìn tấn, tăng 4,8% (quý III/2022 đạt 486,4 nghìn tấn, tăng 5,1% so quý II/2022 và tăng 4% so quý III/2021).
Nhà máy của CPV Food đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật Bản. Ảnh: C.P. Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gia cầm sang thị trường Hồng Kông và Malaysia tăng trưởng tốt với việc đã xuất khẩu 190 tấn trứng gia cầm các loại; Gần 4 triệu quả trứng vịt muối; 3,6 triệu quả trứng gà tươi và 3.800 quả trứng gia cầm giống sang các nước: Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào và Australia.
Bên cạnh việc xuất khẩu trứng gia cầm, việc mở rộng xuất khẩu thịt gia cầm chắc chắn sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể trong năm 2022. Chỉ tính riêng xuất khẩu thịt gà, tính đến tháng 5/2022, các công ty Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9/000 tấn thịt gà đi các thị trường với trị giá khoảng 50 triệu USD.
Triển vọng 2023
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến Hiện nay, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Liên bang Nga). Mỗi năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà, trong khi Công ty C.P. Việt Nam có nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà lớn nhất tại Việt Nam, giai đoạn hiện tại có thể chế biến xuất khẩu 1 triệu con gà một tuần (50 triệu con/năm); Sang giai đoạn 2, công suất sẽ được nâng lên thành 2 triệu con/tuần (100 triệu con/năm), vì vậy việc Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu thịt gà của Công ty CP Việt Nam đã mang tới cơ hội kinh doanh rất lớn cho Công ty CP Việt Nam nói riêng và ngành chăn nuôi gia cầm nói chung. |
Xuất khẩu gà trên thế giới những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 dự kiến vẫn sẽ rất sôi động. Ước tính xuất khẩu thịt gà của Brazil đạt 4,6 triệu tấn trong năm 2022, tăng 9% so năm 2021. Xuất khẩu gà của Thái Lan cũng đạt kết quả lạc quan. Đại diện của GFPT – một trong những tập đoàn hàng đầu của Thái Lan cho biết, xuất khẩu Tập đoàn quý IV/2022 tăng 7.000 tấn, cao hơn 30% so quý III/2022. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vào Nhật Bản (chiếm 46%) và vào châu Âu, Trung Quốc. Hàng chục nhà máy của Thái Lan cũng mới được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Saudi
Việc Việt Nam duy trì sự ổn định thị trường trong nước và tích cực xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các quốc gia khác sẽ là đòn bẩy giúp quá trình hiện đại hóa ngành chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh thành được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa. Nhiều vùng chăn nuôi sạch bệnh đang được hình thành và nhiều công ty quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, để các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam nói chung, thịt gà nói riêng chinh phục thị trường thế giới, ngành chăn nuôi gà cần có các biện pháp giảm giá thành, trong đó có giảm giá thức ăn chăn nuôi. Người dân và doanh nghiệp cho biết, rất cần nguồn vốn lãi suất thấp từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trong bối cảnh lạm phát thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyễn Anh