Xử lý khi lợn con lười bú, đi ngoài phân lỏng

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Lợn con 1 tuần tuổi có hiện tượng lười bú, ỉa chảy phân lỏng, tanh, màu vàng, có con nôn mửa; lợn con gầy nhanh. Một số con hay nằm lên trên bụng lợn mẹ. Đã điều trị bằng kháng sinh đặc trị tiêu chảy nhưng không khỏi. Xin hỏi lợn mắc bệnh gì, nguyên nhân và các phòng, điều trị như thế nào?

(Câu hỏi của Nhật Quang, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)

Trả lời: 

Với các triệu chứng kể trên có thể chẩn đoán lợn đã bị mắc dịch tiêu chảy hay còn gọi là bệnh PED.

Nguyên nhân:

Bệnh này do virus gây ra. Đặc trưng của bệnh là gây tiêu chảy nhiều nước ở lợn, tỷ lệ ốm và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.

Triệu chứng:

Triệu chứng đặc trưng là hiện tượng lợn bỏ ăn, mệt mỏi, tiêu chảy phân nhiều nước. Lợn con theo mẹ: lười bú, ỉa chảy: phân lỏng, tanh, màu vàng, có sữa không tiêu; nôn mửa; lợn con sụt cân nhanh do mất nước. Triệu chứng điển hình là lợn con thích nằm lên bụng mẹ, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc trị tiêu chảy không có kết quả.

Bệnh tích khi mổ khám:

Bệnh tích tập trung ở ruột non: ruột căng phồng, chứa đầy dịch màu vàng. Khi lợn bị tiêu chảy, lông nhung ở ruột non thường bị bong tróc, ngắn đi rất nhanh và giảm hoạt tính men tiêu hóa.

Chẩn đoán:

Dựa vào triệu chứng: lợn con tiêu chảy với tỷ lệ chết cao, lợn con thích nằm trên bụng mẹ, điều trị bằng các loại kháng sinh không có kết quả, tỷ lệ chết đối với lợn dưới 5 ngày tuổi lên đến 100%. 

Triệu chứng lâm sàng của bệnh PED rất dễ nhầm lẫn với bệnh TDE. Do vậy có thể sử dụng Test nhanh chẩn đoán để có kết quả chính xác.

Phòng bệnh

– Tiêm phòng vắc xin PED cho lợn nái

– Kiểm soát bệnh:

Do tốc độ lây lan của bệnh chậm nên cần hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh ở những đàn nái mới đẻ, giúp lợn nếu mắc bệnh có độ tuổi lớn hơn thì tỷ lệ chết sẽ thấp hơn.

Kiểm soát người và các phương tiện ra vào trại, đặc biệt là các xe và người vào bắt lợn, mua lợn. Đây là nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh.

Có hàng rào ngăn cách giữa trong và ngoài trại, xe vào bắt lợn không được vào trong trại mà phải đỗ ở ngoài trại đúng nơi qui định.

Xe vận chuyển trong trại sau khi vận chuyển lợn phải được rửa, sát trùng, để khô mới được vận chuyển lợn tiếp.

Có chuồng bán lợn nằm sát vòng ngoài của trại

Cấm đưa lợn từ khu vực bán trở về trại

Không cho nước thải của chuồng bán chảy trở về trại

Người lao động không nên tiếp xúc với lợn khác ngoài khu vực làm việc của mình

Hạn chế khách tham quan nếu không thật sự cần thiết

Làm vệ sinh lối đi thường xuyên, có hố sát trùng ở cửa ra vào chuồng.

Điều trị:

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy trong việc điều trị bệnh nên sử dụng kháng sinh phổ rộng nhằm mục đích để chống vi khuẩn bội nhiễm, kế phát. 

Ngoài ra cần bổ sung hạ sốt, thuốc bổ, trợ sức, trợ lực cho con vật để nâng cao sức đề kháng như: B-complex, Gluco KC, Suntosal, …

Lợn con theo mẹ nếu bị mắc bệnh được uống nước tự do để hạn chế hiện tượng mất nước. Lợn vỗ béo bị bệnh nên cho nhịn ăn.

Tự tạo miễn dịch cho lợn con bằng cách cho lợn mẹ ăn ruột của lợn con (vắc xin chuồng) trước khi đẻ cũng là biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả.

*Phương pháp tiến hành:

Bước 1: Lấy ruột 2- 3 lợn con có triệu chứng ỉa chảy do PED đang còn sống, chưa được điều trị thuốc, có độ tuổi nhỏ hơn 5 ngày tuổi, cho vào máy xay sinh tố, xay nhỏ;

Bước 2: Trộn hỗn hợp thu được với 1.000ml nước cất

Bước 3: Lọc qua vải gạc lấy phần nước trong

Bước  4: Cho vào 100g Colistin để diệt tạp khuẩn

Bước 5: Đem dung dịch trên trộn với thức ăn trong toàn trại cho lợn nái, lợn hậu bị ăn (mỗi con 10ml). Sau khi ăn nếu lợn xuất hiện triệu chứng ỉa chảy hoặc ủ rủ, bỏ ăn là đạt yêu cầu; nếu không phải làm lại. Sau 2 tuần kháng thể mới xuất hiện, vì vậy đối với nái mang thai tuần 15 – 16, lợn con sinh ra vẫn chết vì bệnh PED.

Vũ Phúc Trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *