Xử lý chậm động dục ở heo nái

(Người Chăn Nuôi) – Khi thấy heo nái có những biểu hiện chậm động dục trở lại, người nuôi cần xem xét nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp xử lý kịp thời, tránh những thiệt hại về kinh tế xảy ra.

Nguyên nhân

Thông thường, sau khi cai sữa cho heo con, heo mẹ sẽ động dục trở lại vào ngày thứ 4 – 7 (chiếm 85 – 90%). Nếu 10 ngày sau khi cai sữa heo con mà không thấy heo nái động dục trở lại thì heo nái đó gọi là chậm động dục trở lại. Bệnh thường do các yếu tố sau:

Kiểm tra động dục ở heo nái     Ảnh: VM

• Thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp, thành phần dinh dưỡng mất cân đối, thức ăn hôi mốc, có nhiều độc tố…; Thức ăn nhiều chất bột, đường hoặc thiếu đạm và Vitamin A, D, E -> Buồng trứng heo nái chậm phát triển -> Chậm hay không động dục; Thai yếu và quái thai; Thức ăn hôi mốc -> Sinh độc tố -> Gây ngộ độc cho heo -> Sẩy thai, chậm động dục, đẻ ít con.

• Do heo mắc các bệnh sinh sản như: Những bệnh nhiễm trùng đường máu hay đường sinh dục, bệnh tai xanh, bệnh thai gỗ… -> Tổn thương trên tử cung -> Ảnh hưởng đến sự phân tiết hormone, viêm buồng trứng -> Chậm động dục.

• Do chuồng trại chật hẹp, heo mẹ không thường xuyên được đi lại vận động nên sinh ra béo mập và làm cho cơ quan sinh dục không phát triển. Chuồng nuôi quá nhiều heo gặp thời tiết nắng nóng kéo dài cũng có thể làm rối loạn sinh sản.

• Do lai tạo đồng huyết, cận huyết -> Giống heo bị thoái hóa, chậm sinh, vô sinh. Heo nái có chửa sẽ khó đẻ, thai yếu và dễ sinh ra các quái thai…

• Do nội tiết bên trong cơ thể heo: Nhiều trường hợp trên buồng trứng có u nang và những u nang này dẫn đến việc khả năng heo không sinh sản là 4%.

• Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến -> Rối loạn hormone sinh sản -> Thể vàng không tiêu biến đi như bình thường -> Nồng độ hormone Progesteron tăng cao -> Ức chế tiết hormone LH và FSH -> Ức chế quá trình động dục -> Heo mẹ chậm động dục trở lại.

• Quá trình “sổ thai” heo bị sót nhau thai cũng là nguyên nhân gây bệnh cho heo nái. Sót nhau không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến heo nái chậm động dục mà đôi khi nó là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hiện tượng này. Vì sót nhau gây ra hiện tượng viêm nhiễm niêm mạc tử cung, sốt sữa… Vì vậy khi nái sổ thai cần theo dõi kỹ và có biện pháp can thiệp kỹ thuật để tử cung co bóp mạnh đẩy nhau thai ra ngoài. Thông thường sau khi nái đẻ 20 – 50 phút mà nhau không đẩy được ra ngoài hoặc không đẩy hết thì gọi là hiện tượng sót nhau một phần hay toàn phần.

Phòng, trị bệnh

Khi phát hiện thấy heo nái có những biểu hiện chậm động dục trở lại, người nuôi cần thực hiện ngay các biện pháp dưới đây:

Kiểm tra lại thức ăn xem thức ăn có đảm bảo chất lượng hay không để có thể kịp thời loại bỏ thức ăn hôi mốc; Cân đối lại các thành phần và giá trị dinh dưỡng như: Chất bột, đường, đạm, khoáng cho hợp lý. Cho heo ăn với khẩu phần thức ăn cân đối đạm, canxi và vitamin, nhất là Vitamin E.  Cần bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng cho heo, nhất là đạm, khoáng, vitamin. Các chất này có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, cua, khô dầu đậu, đỗ, dầu cá, bí đỏ, giá đỗ nảy mầm, rau xanh non ngon… Bổ sung vào cám cho heo ăn hàng ngày các loại thuốc bổ trợ như Vitamin A, D, E, C, B.Complex…

Chăm sóc quản lý: Cai sữa cho heo con lúc 3 – 5 tuần tuổi và cho heo nái tiếp xúc với heo đực giống từ ngày đầu cai sữa heo con.

Ngoài ra, có thể tiêm eCG và Estrogen để điều trị bệnh chậm động dục sau cai sữa của heo nái.

Sử dụng kích dục tố, sử dụng chế phẩm PMS: Tiêm PMS trước khi cai sữa 8 – 10 ngày, kết quả động dục sau cai sữa là 90%. Không tiêm PMS trước cai sữa, kết quả động dục chỉ đạt 20%. Cai sữa heo con 4 tuần tuổi, tiêm PMS sau cai sữa:

• 24 giờ, sau 4 ngày động dục

• 48 giờ, sau 5 ngày động dục

• 72 giờ, sau 6 ngày động dục

Nếu lần 1 không đậu thì tiếp tục cho phối lần 2, nếu đã qua 2 lần phối giống mà vẫn không đậu thì nên loại thải.

Bích Hòa

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *