Xử lý bệnh viêm não Nhật Bản B ở heo

(Người Chăn Nuôi) – Viêm não Nhật Bản B ở heo là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm cho heo và có thể lây sang người. Bệnh làm giảm năng suất, chất lượng của heo nuôi vô cùng lớn nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây ra do virus viêm não Nhật Bản B gây ra. Virus được xếp vào giống Flavivirus, họ Flavivudae được tách ra từ Togaviridae. Trong giống Flavivirus có 60 thành viên, trong đó có 3 thành viên liên quan đến viêm não Nhật Bản B cho người và động vật gồm:

– Virus gây bệnh viêm não Nhật Bản B (JEV).

– Virus gây bệnh “Louping ill”.

– Virus gây bệnh “Weselbron disease”.

Virus viêm não Nhật Bản không chịu được nhiệt, bị bất hoạt ở 560C trong 30 phút, 700C trong 10 phút và 1000C trong 2 phút. Nhưng khi đông lạnh virus có thể tồn tại hàng năm.

Các chất sát trùng thông thường có thể tiêu diệt được virus như Iodine 10%, Formalin 1,5 – 2%, nước vôi 20%.

Các loại động vật hoang dã mẫn cảm với virus như: Khỉ, chuột, muỗi Culex… đây chính là ổ dịch tự nhiên của mầm bệnh cũng như là vector truyền bệnh.

 

Đặc điểm dịch tễ

Người và heo mẫn cảm nhất với virus gây bệnh. Các động vật khác như ngựa, bò, chó, bồ câu, gà, vịt, các loại chim trời thuộc bộ diệp cò, chuột nhắt, thằn lằn đều có khả năng nhiễm bệnh và mang mầm bệnh, nhưng không phát bệnh.

Bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp, qua thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh, qua tinh dịch và qua côn trùng, muỗi hút máu…

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phụ thuộc vào mùa vụ khí hậu. Đặc biệt, ở đâu có nhiều muỗi Culex thì ở đó có nguy cơ phát bệnh cao.

 

Cơ chế gây bệnh

Sau khi thâm nhập vào cơ thể heo, virus nhanh chóng vào máu đến các phủ tạng, chúng phát triển rất mạnh và tăng nhanh về số lượng trong khoảng 12 giờ đến vài ngày. Tại đây, chúng gây ra các tổn thương ở gan, thận, lách, cơ bắp và cuối cùng là các tế bào thuộc hệ thần kinh trung ương bao gồm não bộ, tủy sống, tế bào thần kinh lưới, đại thực bào, hệ thống hạch lâm ba. Do đó, heo bị nhiễm virus thường bị suy giảm hệ miễn dịch rất nặng. Heo nái bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai sẽ bị sảy thai hoặc thai nhi mất khả năng tạo miễn dịch, do đó dễ bị chết lưu thai, sảy thai…

 

Triệu chứng lâm sàng

Heo con 1 – 3 tháng tuổi: Thời kỳ ủ bệnh từ 12 giờ đến vài ngày. Heo bị sốt li bì 41 – 41,50C, ít khi lên 420C. Các triệu chứng đặc trưng là rối loạn chức năng của hệ thần kinh. Heo bệnh hoặc tăng sự hưng phấn kích thích, hoặc rơi vào trạng thái đình trệ. Giảm hoặc bỏ ăn hoàn toàn, luôn có biểu hiện nôn hoặc phản xạ nôn. Một trong các triệu chứng đặc trưng ở heo là hiện tượng tích nước, phù nề dưới da rất rõ.

heo viêm não nhật bản b

Heo nôn và phù nề ở cổ là dấu hiệu của bệnh viêm não Nhật Bản B

Heo nái và heo đực giống: Heo nái bị viêm não B luôn có những hội chứng viêm âm đạo, viêm tử cung. Từ âm đạo chảy ra chất dịch nhầy mủ, mùi khó chịu. Ở nái mang thai thì thai nhi bị chết lưu hoạc sảy thai. Nhiều nái chửa bị chết. Tỷ lệ gây sảy thai và nái bị chết có thể tới 50 – 70%. Heo con đẻ ra từ những nái này cũng thường bị chết với các biểu hiện điển hình: Phù thũng dưới ra, viêm não tủy tích nước. Ở heo đực giống thường quan sát thấy viêm tinh hoàn cấp, khi kiểm tra tinh dịch thấy có nhiều virus viêm não B.

 

Mổ khám

Ở heo con 1 – 3 tháng tuổi: Xoang ngực, xoang bụng chứa nhiều dịch thẩm xuất; Các cơ quan phủ tạng bị viêm thoái hóa; Tích nước, phù nề dưới da; Viêm tích nước ở não tủy; Có vô số xuất huyết điểm trên màng bao các cư quan, phủ tạng; Ở thai nhi, heo con do sảy thai hoặc đẻ ra thấy phù nề dưới da, viêm tích nước não tủy, thai chết lưu ở các giai đoạn chửa khác nhau.

Ở heo nái, nái chửa và heo đực giống: Viêm âm đạo, tử cung; Thai chết lưu; Viêm tinh hoàn ở heo đực.

 

Chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh tích của con vật sẽ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh có biểu hiện tương tự như: Bệnh viêm não do virus Nipah trên heo, bệnh E.coli sưng phù đầu… Vì các bệnh trên heo đều có triệu chứng thần kinh, sốt, phù nề giống với bệnh viêm não Nhật Bản. Do tính nguy hiểm của bệnh, khuyến cáo nên dùng các biện pháp trong phòng thí nghiệm để khẳng định bệnh:

– Phương pháp ức chế ngưng kết hồng cầu.

– Miễn dịch men

– Trung hòa virus.

– Kỹ thuật kháng thể huỳnh quang.

– Đặc biệt là phương pháp phân lập, giám định virus viêm não Nhật Bản B sẽ cho chẩn đoán chắc chắn. Hiện nay phương pháp PCR xác định RNA của virus có trong mẫu bệnh phẩm được ứng dụng nhiều nhất do có độ chính xác cao.

 

Điều trị

Ở người bị viêm não Nhật Bản B, dùng kháng nhiễm tố alpha A để can thiệp mang lại hiệu quả điều trị tốt. Song alpha A lại không có kết quả trong điều trị viêm não Nhật Bản B ở heo. Tỷ lệ heo mắc bệnh cao có thể lên đến 100% nhưng tỷ lệ chết thấp. Heo khỏi bệnh có nhiều di chứng về thần kinh, chậm lớn và có thể vẫn mang mầm bệnh nên sẽ là ổ dịch tự nhiên nếu như không được xử lý tốt.

Nếu viêm não Nhật Bản B xuất hiện ở heo thì phải nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch một cách triệt để nhất. Tất cả heo trong vùng dịch đều phải đem đi tiêu hủy, tiến hành khử trùng tiêu độc nhằm tránh phát tán virus ra khỏi vùng dịch.

 

Phòng bệnh

• Phải phòng bệnh từ xa: Kiểm soát, kiểm dịch tận gốc heo ngoại nhập ngay từ nơi xuất xứ.

• Bảo vệ các trang trại chăn nuôi heo bằng các giải pháp an toàn sinh học, thường xuyên chủ động gửi mẫu đi xét nghiệm virus viêm não Nhật Bản B.

• Chấp hành tốt các quy định Nhà nước về kiểm dịch, kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt heo.

• Để phòng chống bệnh, người nuôi cần phải sử dụng thuốc hoặc hóa chất diệt muỗi ở nơi ở, chuồng trại chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh nhằm hạn chế muỗi sinh sôi và phát triển.

Phạm Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *