Xử lý bệnh CRD trên gà

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh CRD thường xuất hiện trên các loài gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng, chim…; bùng phát mạnh vào thời điểm độ ẩm không khí cao.

Nguyên nhân

Bệnh Viêm hô hấp mãn tính trên gà (Bệnh CRD – Bệnh hen gà) là bệnh phổ biến ở gà. Vi khuẩn Mycoplasma Gallisepticum là nguyên gây bệnh. Đây là vi khuẩn có sức đề kháng yếu hầu hết các chất sát trùng đều có khả năng tiêu diệt Mycoplasma như: phenol, formol, thuốc sát trùng chuồng trại Biodine, virkon, Benkocid… Mycoplasma chủ yếu ở trong cơ thể và gây bệnh, chúng chỉ sống được 1 – 3 ngày khi đã ra khỏi cơ thể, trong dịch nhầy chúng tồn tại lâu hơn (khoảng 4 – 5 ngày), trong lòng đỏ trứng tồn tại đến 18 ngày.

Thời gian tồn tại của vi khuẩn trong lông vũ từ 2 – 4 ngày, trong vải từ 1 – 4 ngày, trong rơm 2 ngày, trong tóc 3 ngày.

Đặc điểm dịch tễ

Điều kiện gây bệnh: Vi khuẩn này tồn tại trong cơ thể gà và gây bệnh cho gà khi sức đề kháng của gà bị giảm do các yếu tố gây stress như: ghép đàn, thời tiết thay đổi đột ngột, mật độ nuôi quá dày… hoặc nhiễm một số mầm bệnh khác hoặc chăm sóc nôi dưỡng kém. Đặc biệt khi tiểu khí hậu chuồng nuôi không đảm bảo, độ thông thoáng kém, môi trường ẩm ướt, nhiều NH3, H2S, khí độc, bụi từ phân, chất độn chuồng… sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Thời điểm: Bệnh bùng phát mạnh vào thời điểm mưa ẩm, khi mà độ ẩm không khí cao.

Đường truyền lây: Có 3 con đường chính lây bệnh: Bệnh lây truyền dọc từ gà bố mẹ sang gà con qua trứng. Gà mắc bệnh thải mầm bệnh ra ngoài môi lây nhiễm cho gà khỏe trong cùng đàn hoặc trong cùng chuồng nuôi nhốt. Bệnh lây truyền qua dụng cụ chăn nuôi, công nhân chăm sóc, túi thức ăn… 

Đối tượng cảm nhiễm: Bệnh thường xuất hiện trên các loài gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng, chim… Đối với gà thịt, bệnh thường xảy ra trong giai đoạn gà từ 2 tuần tuổi trở lên; đối với gà đẻ hoặc gà trưởng thành bệnh thường bùng phát khi có các yếu tố gây stress. 

Bệnh CRD

 Người nuôi cần thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trại. Ảnh: CTV

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh từ 6 – 12 ngày. Tỷ lệ chết khoảng 30%.

Ở gà con: Bệnh hay xảy ra lúc gà được 4 – 8 tuần tuổi, triệu chứng thường nặng hơn do sự phụ nhiễm các loại vi trùng khác mà thông thường nhất là E.coli. Khi mới nhiễm bệnh, gà thường xuất hiện các triệu chứng như giảm ăn, chảy nước mũi lúc đầu dịch trong sau đó đặc dần và nhầy trắng. Gà con ho, thở khó và khò khè nhất là về ban đêm, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, sưng đầu, gà ủ rũ và chết sau khi mắc bệnh 3 – 4 ngày. Nếu ghép với E.coli thì gà sốt cao, rất khó thở và tỷ lệ chết lên tới 30%, những con sống sót thì bị chậm lớn.

Trên gà trưởng thành và gà đẻ: Bệnh phát ra khi thay đổi thời tiết, tiêm phòng, chuyển chuồng, cắt mỏ… các triệu chứng chính vẫn là ăn ít, chảy nước mũi, thở khò khè, sưng mặt, viêm kết mạc mắt, gà trở nên gầy ốm, gà đẻ giảm sản lượng trứng, trứng ấp nở cho ra các gà con yếu ớt. Ở một số đàn gà đẻ đôi khi chỉ thấy xuất hiện sự giảm sản lượng trứng, gà con yếu, tỷ lệ ấp nở kém. Nếu ghép với E.coli thì trứng méo mó và vỏ trứng có vệt đỏ lấm tấm.

Bệnh tích

Dịch viêm xuất hiện ở xoang mũi, hai lỗ mũi và cả ở túi khí. Dịch tiết lúc đầu trong, có nhiều bọt, về sau trở nên vàng và đục hơn. Túi khí dày lên hoặc trở nên đục, có nhiều bọt khí hoặc phủ những hạt fibrin nhỏ. Viêm màng bao quanh gan, viêm màng bao tim, viêm xoang mũi, viêm kết mạc mắt, viêm ống dẫn trứng (gà đẻ). Lách sưng to, viêm phổi (nếu có sự kết hợp với các loại vi khuẩn khác).

Điều trị

Muốn điều trị bệnh có hiệu quả phải chẩn đoán chính xác gà bị bệnh có bội nhiễm và kế phát bệnh gì khác không như bệnh: Gumboro, Newcastle, viêm phế quản truyền nhiễm… Nếu nhiễm kế phát thì phải kết hợp điều trị đồng thời bệnh kế phát với bệnh CRD.

Trường hợp khi xác định gà chỉ bị CRD cần điều trị bằng một trong các loại thuốc sau: Doxycycline, Tiamuline hoặc Colistine, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kết hợp bổ sung thêm chất điện giải và vitamin để tăng sức kháng bệnh cho đàn gà. Tăng độ thông thoáng và giảm bớt mật độ nuôi nhốt, hạn chế tất cả các yếu tố có thể gây stress cho đàn gà.

Phòng bệnh

Phòng bệnh bằng vaccine là phương pháp đạt hiệu quả cao nhất. Trên thị trường có rất nhiều loại vaccine phòng bệnh CRD cho gà đạt hiệu quả tốt, tùy thuộc từng loại vaccine sẽ có cách sử dụng khác nhau (tiêm, uống, nhỏ mắt…) và thời gian nhắc lại khác nhau, do đó, người nuôi cần đọc kỹ và thực hiện đúng khuyến cáo sử dụng vaccine của nhà sản xuất trước khi dùng. 

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trại. Đảm bảo chuồng nuôi luôn thông thoáng, sạch sẽ, ấm vào mùa Đông, thoáng mát về mùa Hè, mật độ nuôi phù hợp với tuổi và kích thước của gà. Nên mua gà từ những cơ sở giống tốt, có uy tín và đảm bảo đàn gà bố mẹ không bị bệnh. Thực hiện cách ly gà mới mua về nuôi với đàn đang nuôi; cách ly gà bị bệnh với gà khỏe mạnh. 

Thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt, có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho gà phù hợp với từng giai đoạn phát triển, chú ý bổ sung đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất và các chất điện giải nhằm tăng cường sức đề kháng của gà. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh. 

Ngoài ra có thể sử dụng men rắc chuồng cùng với chất độn chuồng sạch sẽ để hạn chế khí độc thải ra và vi khuẩn phát sinh, phát triển từ sự phân hủy của phân gà trong quá trình chăn nuôi.

Nguyễn Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *