Anh Trần Chí Chẳy, 43 tuổi, ngụ tại Tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Bình Sơn, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đã thành công với mô hình phát triển kinh tế tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, anh Chẳy đã tận dụng nguồn nhộng sâu canxi làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi từ ruồi lính đen, lợi nhuận ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng.
Tạo dựng tiền đề
Năm 2016, anh Trần Chí Chẳy mua 0,5kg trứng (giá 3 triệu đồng/100gram) ruồi lính đen giống, tại tỉnh Sóc Trăng về nuôi thử nghiệm tạo thành nhộng sâu canxi để làm thức ăn cung cấp trong chăn nuôi cũng như cung ứng cho thị trường tiêu thụ toàn quốc. Qua thời gian, anh tích góp kinh nghiệm và đẩy mạnh nuôi được 21 mùng ruồi lính đen; thu hoạch từ 4 – 5kg trứng/ngày. Khi ấy, anh tận dụng nguồn thực phẩm (rau, củ, quả) trong sinh hoạt gia đình kết hợp mua thêm thức ăn cặn (cơm, mì) hay thực phẩm đã bị hư như: bánh mì, bột chiên giòn để nuôi sâu canxi.
Anh Trần Chí Chẳy thu hoạch nhộng sâu canxi.
Theo anh Chẳy, hiện tại, ruồi lính đen được mở rộng nuôi trên thị trường quốc tế nên nhà nông Việt Nam nói chung và anh Chẳy nói riêng đã bị thu hẹp về quy mô đầu tư mở rộng hay việc triển khai phát triển những công trình phụ thuộc để tạo nên những sản phẩm chuyên biệt. Ruồi lính đen có nhiều lợi ích nhưng đòi hỏi người nuôi phải thật am hiểu về bài toán kinh nghiệm, đặt ra khuynh hướng xoay vòng hiệu quả một khi đã quyết định nuôi. Nhà nông cần tính toán phù hợp khi nuôi ruồi lính đen, bởi thường loài này không đẻ vào mùa mưa.
Hiện tại, anh Chẳy có 3 mùng nuôi ruồi lính đen bằng lưới kín, với thiết kế: ngang 2,5m, dài 3m và cao hơn 2m/mùng. Mỗi mùng, anh cung cấp khoảng 40kg kén như bã đậu và thức ăn công nghiệp gia cầm, thu hoạch được từ 2 – 2,5kg trứng sau 3 – 4 ngày nuôi. Giao phối xong, ruồi lính đen đực sẽ chết và ruồi lính đen cái đồng nghĩa với việc kết thúc vòng đời khi đẻ xong. Bên cạnh đó, anh còn có 3 chuồng nuôi sâu canxi bằng việc thiết kế tương ứng theo kỹ thuật mà ngành chức năng tuyên truyền và khuyến cáo xây dựng.
Trước đại dịch Covid-19, anh Chẳy đã có nguồn thu nhập hơn 2 triệu đồng/ngày từ việc bán trứng ruồi lính đen theo hợp đồng cố định hay đơn đặt hàng bán lẻ tại địa phương. Hiện tại, anh chỉ còn giao nhộng sâu canxi xoay vòng cho 3 hội nông dân huyện (3 xã/huyện) tham gia Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế tại tỉnh từ 0,5 – 1kg/tuần; hoặc đơn hàng bán lẻ tại địa phương với hơn 10kg/đơn.
Phát triển bền vững
Trung bình mỗi năm, anh thả nuôi từ 1 – 2 tấn cá trê lai trong mương vườn nhà, khoảng 6 tháng nuôi sẽ xuất bán. Bên cạnh đó, anh Chẳy đã xoay vòng nuôi và xuất bán 3 lứa/năm vịt xiêm Pháp, từ 500 – 1.000 con/lứa, nuôi từ 2,5 – 3 tháng/lứa sẽ xuất bán. Với diện tích 1.700m2 đất, anh Chẳy bố trí 3 chuồng nuôi vịt xiêm Pháp. Hàng ngày, anh phối trộn lượng phân nuôi hay nhộng sâu canxi cùng thức ăn công nghiệp gia cầm để cung cấp nhiều đợt khi vịt xiêm Pháp còn nhỏ và giảm còn 1 đợt/ngày khi nhận thấy vật nuôi đã ra lông cánh.
“Đam mê kết hợp kinh nghiệm, tôi nghiên cứu thực tế từ thất bại đi đến thành công trong vòng xoay tuần hoàn vật nuôi nông nghiệp để tạo thu nhập bền vững cho gia đình. Hơn hết, vịt xiêm Pháp phải phù hợp thời tiết cùng thổ nhưỡng địa phương vì vật nuôi rất khó tính về nguồn nước sinh hoạt. Vì thế, giá thành thương phẩm luôn rất ổn định. Nếu chăn nuôi thuận lợi, tôi có lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm”, anh Chẳy tâm sự.
Nếu giá bán vịt xiêm Pháp hơn 55 ngàn đồng/kg, người nuôi mới có được lợi nhuận hơn 50 ngàn đồng/con. Trung bình mỗi ngày, anh Chẳy cung cấp 3 cữ thức ăn tổng hợp cho vịt xiêm Pháp và khoảng 25kg/cữ. Thức ăn tổng hợp, gồm: thức ăn công nghiệp phối trộn phân nuôi và nhộng sâu canxi theo tỷ lệ phù hợp cùng độ sinh trưởng của vật nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngãi Đăng Lê Văn Tỉnh cho biết: Hiện tại xã có 60 mô hình kinh tế hiệu quả như: nuôi sâu canxi, nuôi trùng quế, nuôi gà đệm lót sinh học… Hướng tới, hội tiếp tục vận động nhân rộng những mô hình hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập cho nông dân địa phương. Anh Trần Chí Chẳy là hội viên tiên phong tham gia thực hiện hiệu quả mô hình nuôi sâu canxi từ ruồi lính đen và tạo nguồn kinh tế bền vững. Anh Chẳy còn là Tổ trưởng Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi ruồi lính đen ấp Bình Sơn, được thành lập hơn 2 năm, với 10 thành viên.
Bài, ảnh: Lê Đệ
Nguồn: Báo Đồng Khởi