Xây dựng khẩu phần ăn cho gà con

(Người Chăn Nuôi) – Xây dựng một khẩu phần ăn cân đối đáp ứng tất cả các loại dinh dưỡng cần thiết không chỉ giúp gà phát triển tốt mà còn tiết kiệm được chi phí thức ăn cho trang trại.

Khẩu phần dinh dưỡng

Muốn chăn nuôi theo khẩu phần là phải có thức ăn theo công thức cân đối dinh dưỡng và lượng thức ăn cho ăn hàng ngày theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu. Dưới đây là khẩu phần dinh dưỡng trong chăn nuôi gà:

nhap khau TACN

– Năng lượng trao đổi tối thiểu: 2.900 Kcal/kg, đạm tối thiểu: 20%

– Chế độ cho ăn: Ăn tự do cả ngày lẫn đêm

– Cho ăn ngô nghiền trong 1 ngày đầu để tiêu hết túi lòng đỏ còn lại trong bụng

– Mỗi ngày cho gà ăn 4 – 6 lần. Mỗi lần bổ sung thức ăn mới cần sàng thức ăn cũ để loại bỏ chất độn và phân bị lẫn vào thức ăn.

– Nguồn thức ăn: Do gia đình hay trang trại tự sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Gà phải được nuôi với một khẩu phần ăn cân đối đáp ứng tất cả các loại dinh dưỡng cần thiết. Thức ăn phải được làm từ nguyên liệu 100% hữu cơ. Trường hợp thức ăn hữu cơ không có đủ cả về số lượng và chất lượng thì tỷ lệ thức ăn thông thường được sử dụng là 15%. Trên 50% thức ăn phải do trang trại tự sản xuất hoặc hợp tác sản xuất với các trang trại hữu cơ khác. Có thể cho gà ăn vitamin, các nguyên tố vi lượng và thức ăn bổ sung có nguồn gốc tự nhiên chiếm tối đa là 5% trong tổng lượng thức ăn.

 

Lập khẩu phần thức ăn

Tùy theo giống gà có tốc độ sinh trưởng khác nhau mà nhu cầu dinh dưỡng cho gà con trong những tuần đầu khác nhau. Gà thịt nặng cân có tốc độ sinh trưởng cao nên trong 2 tuần đầu có nhu cầu protein cao (22 – 23 %), sau đó giảm dần. Những giống gà chuyên trứng nhẹ cân có tốc độ tăng trọng thấp hơn nên thức ăn khởi đầu chỉ cần mức protein 20 – 21 %, sau 4 tuần mức protein trong thức ăn giảm dần. Gà con mới nở thường bị thiếu Vitamin A nên trong tuần đầu phải cung cấp lượng Vitamin A khoảng 2.000 IU/con, với liều cao như vậy gà con có thể dự trữ trong gan và trong mô mỡ. Trong ngày đầu cho gà tập ăn trên khay bằng bắp hoặc tấm để gà con quen với việc mổ thức ăn và tiêu nhanh lòng đỏ trong ổ bụng. Trong 3 tuần đầu cho ăn tự do suốt ngày đêm, như vậy gà con có thể nhận lượng thức ăn tối đa mà chúng có thể nhận để kích thích sự phát triển bộ máy tiêu hóa.

Gà con tiêu thụ lượng thức ăn ít nên thức ăn trong những tuần đầu có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng của chúng. Mặt khác phải cấp thức ăn nhiều lần trong ngày, để gà con luôn được ăn thức ăn mới, tránh làm bẩn hoặc hỏng thức ăn.

Bảng nhu cầu dinh dưỡng cho gà con trong 2 tuần đầu

Chất dinh dưỡng Gà thịt công nghiệp Gà thịt lông màu Gà hậu bị trứng
ME (Kcal) 3.000 3.000 3.000
Protein thô (%)

22

20 20
Ca (%) 1,1 1,0 1,0
P hữu dụng(%) 0,6 0,6 0,6
Lysin (%) 1,2 1,0 1,0
Methionin (%) 0,5 – 0,6 0,4 – 0,5 0,4 – 0,5

                                      

Tận dụng thức ăn sẵn có trong gia đình để giảm chi phí

Gà được ăn kết hợp với khả năng tự kiếm mồi để giảm chi phí thức ăn

Việc phối trộn thức ăn sẽ được tính trên nhu cầu đạm của gà qua các giai đoạn:

+ Giai đoạn gà con: 0 – 4 tuần tuổi (nhu cầu đạm 20%)

+ Giai đoạn từ 5 tuần tuổi đến xuất bán (nhu cầu đạm 16 – 18%)

Nếu thành phần nguyên liệu chủ yếu là cám gạo (N = 13%) và bột đậu tương (N = 39%) thì tỷ lệ trộn sẽ là 80% cám gạo + 20% bột đậu tương. Nếu thành phần chủ yếu là cám ngô (N = 9%) và bột đậu tương thì tỷ lệ trộn là 70% ngô + 30% bột đậu tương.

Nguồn thức ăn hiện tại chủ yếu từ cám gạo, cám ngô, đậu tương, sắn bột, cá khô. Các nhóm thức ăn tinh bột (giàu năng lượng) chủ yếu do gia đình tự sản xuất dựa trên kế hoạch trồng lúa, ngô, rau theo phương pháp hữu cơ để tạo nguồn thức ăn hữu cơ cho gà. Các nhóm thức ăn giàu đạm (cá, tôm, bột cá, bột đậu tương) có thể mua từ bên ngoài nhưng phải đảm bảo về nguồn gốc.

Dự tính khẩu phần thức ăn cho gà như sau: Cám gạo 37,5%; Đậu tương 10%; Cám ngô 37,5%; Cá khô/bột cá 10%; Sắn bột 5%.

Giai đoạn gà con (0 – 4 tuần tuổi): Cho ăn nhiều lần trong ngày, thường từ 4 – 6 lần/ngày. Giai đoạn gà lớn (5 tuần tuổi đến xuất bán): Cho ăn 2 lần/ngày.

 

Chăm sóc

Máng ăn: Trong 1 – 2 ngày đầu, cho gà tập ăn trên khay hoặc trên giấy trải ở nền chuồng, sau đó cho ăn bằng máng dài hoặc tròn. Chiều cao thành máng khoảng 5 cm, có gờ để gà con không bới làm rơi vãi hoặc bẩn thức ăn. Tùy theo số lượng gà nuôi, máng ăn phải đảm bảo đạt 5 cm/con.

Máng uống:  Phải bố trí đủ, cấu trúc máng phù hợp với gà con, độ cao máng sao cho gà con uống được nước mà không bị ướt lông cổ. Nước uống phải đảm bảo sạch và tiết kiệm được nước. Nếu dùng núm uống phải tập cho gà con uống nước trong những giờ đầu bằng cách đưa mỏ gà vào núm uống để gà có thể uống nước, chỉ cần tập cho khoảng 30 – 40% số gà là chúng sẽ bắt chước nhau. Trong những giờ đầu phải quan sát và đánh giá gà con tiếp cận được thức ăn và nước uống thuận tiện không. Máng ăn và máng uống bố trí đủ gần sao cho gà con không phải di chuyển quá 0,5 m để ăn và uống.

>> Thức ăn chiếm khoảng 65 – 75% chi phí trong chăn nuôi. Do đó, dinh dưỡng chính xác đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được tiềm năng di truyền của gà hiện nay về sinh trưởng, sản xuất trứng và chất lượng trứng. Hơn nữa, chương trình dinh dưỡng rất quan trọng trong việc xác định lợi nhuận và thành công tổng thể của các doanh nghiệp chăn nuôi.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *