(Người Chăn Nuôi) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Văn bản 3575/UBND-NN1 về việc tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành trong phòng ngừa, giải quyết tình trạng ô nhiễm, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường trong đó có chăn nuôi.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Công an tỉnh tổng rà soát, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật và tham mưu giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, khu vực và địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định và đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự.
Mô hình nuôi bò sữa của người dân thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Ngọc
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, tổng hợp các cơ sở, địa điểm có nguy có gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và chất lượng thẩm định, kiểm tra đề xuất cấp giấy phép môi trường cho các dự án, cơ sở thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phân cấp cho UBND cấp tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND cấp huyện và UBND cấp xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ các ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn thải lớn xả thải ra môi trường và các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính của cấp cơ sở thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao các huyện, thành phố chủ trì tổ chức rà soát, tổng hợp các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 20/5/2025.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Vĩnh Phúc, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi, đến nay Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả tích cực. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 924 cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ trong khu vực không được phép chăn nuôi (diện tích nền chuồng nuôi từ 40 m2 trở lên) với tổng diện tích nền chuồng nuôi đề nghị hỗ trợ hơn 93.906 m2. Kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ là gần 27,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi, chiếm 36% tổng số hộ chăn nuôi thuộc diện được hỗ trợ.
Đặc biệt, đã có có 129 hộ chăn nuôi tại 8 làng văn hóa kiểu mẫu thuộc 4 huyện (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương và Lập Thạch) đã được UBND cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách hỗ trợ. Có 79 hộ chăn nuôi đủ điều kiện hỗ trợ, đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. 15 hộ đang thực hiện thủ tục để nghiệm thu hỗ trợ theo quy định, dự kiến kinh phí 194,2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo thời gian chấm dứt chăn nuôi tại 148 khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc thuộc vùng đồng bằng sông Hồng có mật độ chăn nuôi quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ, đến năm 2018 là 1,84 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp và đến năm 2030 là 1,8 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp. Căn cứ số lượng đàn vật nuôi và diện tích đất nông nghiệp thì mật độ chăn nuôi của tỉnh là 2,71 đơn vị vật nuôi/ha (cao hơn 0,87 đơn vị vật nuôi so với quy định), từ đó dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng Quyết định của UBND tỉnh về quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đề nghị Cục Chăn nuôi (nay là Cục Chăn nuôi và Thú y) xem xét, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định mật độ chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Hồng phù hợp với thực tế tình hình chăn nuôi tại các địa phương.
Minh Khuê