(Người Chăn Nuôi) – Trong 2 ngày 13 – 14/11/2023 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tổ chức Hội nghị kỹ thuật ngành bò thịt Việt – Úc với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước.
Hội nghị kỹ thuật ngành thịt bò Việt – Úc diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 13 – 14/11/2023.
Năm 2022, chăn nuôi Việt Nam đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, dù đã đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn rất khiêm tốn. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả nước mới đạt 373 nghìn tấn (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tính bình quân cả năm, lượng thịt bò mới đáp ứng được khoảng 45 – 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Mỗi năm bình quân một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 65 – 68 kg thịt hơi các loại, trong đó lượng tiêu thụ thịt bò khoảng 7 – 8 kg. Với thu nhập bình quân đầu người hàng năm ngày càng được cải thiện, mức tiêu thụ thịt các loại của người tiêu dùng Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng thịt bò. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh “những nội dung thảo luận sẽ là nền tảng hợp tác trong ngành chăn nuôi bò thịt của hai nước”.
Thứ trưởng khẳng định, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam giai đoạn năm 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2045, Việt Nam xác định đàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 – 6,6 triệu con, trong đó khoảng 30% được nuôi tại trang trại. Hội nghị này là nền tảng để xây dựng tương lai hợp tác trong ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Úc, góp phần giải quyết những vấn đề đang tồn tại, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam.
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại giữa hai quốc gia.
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam, chia sẻ: Thị trường Việt Nam có hơn 100 triệu dân với mức sống ngày càng tăng, đồng thời có nhu cầu cao hơn trong tiêu thụ sản phẩm thịt bò chất lượng. Việt Nam cũng đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Mới đây 4 nhà hàng của Việt Nam đã được nhận sao Michelin – đánh dấu khởi đầu mới của ẩm thực và du lịch Việt. Hy vọng sau sự kiện này, hai nước sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác, nhất là việc trao đổi các kỹ thuật hiện đại của Úc giúp ngành chăn nuôi bò thịt của Việt Nam phát triển hơn nữa.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh kỷ niệm.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày gồm 7 phiên với phần thảo luận của các chuyên gia, diễn giả đến từ Đại học Griffith Úc, Cục Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn, Tổ chức thịt và gia súc Úc… Nội dung xoay quanh các chủ đề chính như: Thực trạng và các ưu tiên ngành chăn nuôi bò thịt, thị trường, tình hình thương mại; Các giải pháp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt; Hệ thống thức ăn thô xanh và vỗ béo có lợi nhuận; Cải thiện giống và di truyền ở Việt Nam; Ứng dụng các phương pháp nhân giống và cải tiến di truyền; Hiện đại hóa hệ thống chế biến, gia tăng giá trị và tính toàn vẹn… Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng tập trung thảo luận những thách thức mà ngành bò thịt ở Việt Nam và Úc phải đối mặt, từ đó nêu ra các giải pháp, định hướng thúc đẩy hợp tác.
Thùy Khánh