Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà và phụ phẩm gia cầm nhập khẩu hàng năm vào Việt Nam tăng liên tục.
Cụ thể, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 217.000 tấn thịt gà, đến năm 2019 – 2020 tăng lên gần 300.000 tấn, đến năm 2022 giảm xuống còn 246.000 tấn, chiếm khoảng 21% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Theo đó, trung bình mỗi ngày, Việt Nam tiêu thụ trên 674 tấn thịt gà nhập khẩu.
Thịt gà nhập khẩu giá rẻ gây áp lực lớn lên sản xuất gia cầm trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Ảnh: HT.
Riêng 8 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 100.000 tấn thịt gà các loại. Đó là chưa tính số lượng gà đẻ loại nhập lậu qua biên giới vào thị trường Việt Nam chưa bị phát hiện, bắt giữ.
Đáng nói, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, nước ta hiện cho nhập cả sản phẩm gà đẻ thải loại, da gà, cổ cánh gà, chân gà… điển hình là gà đẻ thải loại nguyên con chặt đầu, chặt cánh được doanh nghiệp nhập về từ Hàn Quốc với giá rất rẻ. Gà nhập khẩu giá rẻ đang thực sự gây áp lực lớn lên sản xuất gia cầm trong nước vốn đang gặp muôn vàn khó khăn về đầu ra.
“So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định kỹ thuật về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ. Chẳng hạn, kể từ năm 2014, việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới, kể cả ở nước ta vì nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.” Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nghịch lý là hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, bò và gà từ một số quốc gia vẫn cho phép sử dụng hai chất trên cho gia súc, gia cầm. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt từ các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang bị yếu thế, thiệt thòi ngay tại thị trường trong nước.
Chủ tịch VIPA kiến nghị, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước, đặc biệt là không tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, Chính phủ cần kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.
Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế, có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước trong khu vực nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua.
Hồng Thắm
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam