(Người Chăn Nuôi) – Dự án “Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình” do Hàn Quốc tài trợ, được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Lan tỏa công nghệ Hàn Quốc
Ngày 10/12 tại Hà Nội, diễn ra Lễ tiếp nhận sản phẩm của Dự án nông nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Việt Nam.
Đại diện Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm, Nông thôn Hàn Quốc tham dự lễ ký kết.
Việt Nam và Hàn Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2022, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992 – 2022). Những năm gần đây, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được kết quả ấn tượng, được Chính phủ hai nước ghi nhận.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp nước này, đồng thời khẳng định, quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang rộng mở với nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển. Tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn 2024 – 2030 được kỳ vọng sẽ không chỉ tạo động lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và thương mại song phương theo hướng bền vững, toàn diện.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lan tỏa khoa học công nghệ Hàn Quốc vào nền nông nghiệp Việt Nam trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
“Trong xu thế hội nhập toàn cầu và làn sóng đổi mới mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số nổi lên như một chìa khóa quan trọng. Đây chính là công cụ giúp Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường trao đổi, học hỏi những giải pháp đổi mới để định hướng nền nông nghiệp Việt Nam theo con đường hiện đại hóa và phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả hơn với các rủi ro do biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, từ đó xây dựng một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển dài hạn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Với Dự án “Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình” do Hàn Quốc tài trợ, Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị, trong đó có Viện Chăn nuôi vận hành hiệu quả Dự án này, qua đó có báo cáo tổng kết, trên cơ sở kết quả triển khai sẽ tiến hành tổ chức tập huấn, nhân rộng mô hình ra các địa phương khác, góp phần lan tỏa, tạo ra các chuỗi thực phẩm an toàn.
Xây dựng trang trại nuôi lợn thông minh
Năm 2023, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp cùng Cục Đào tạo, Xúc tiến và Dịch vụ Thông tin về Lương thực, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Hàn Quốc khởi công Dự án “Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình”.
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản cho biết, việc đưa trang trại chăn nuôi lợn thông minh đi vào hoạt động không chỉ minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc, mà còn khẳng định những định hướng của Việt Nam là đúng đắn, nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Dự án chính thức khánh thành vào ngày 6/9/2024 với 5 hợp phần chính: Lắp đặt mô hình trình diễn trang trại thông minh (Trong đó, diện tích chuồng nuôi lợn nái là 216 m2, chuồng nuôi lợn thịt là 467 m2); Phát triển hệ thống phần mềm điều hành trang trại thông minh; Đào tạo, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước về quản trị dữ liệu, điều hành hệ thống trang trại; Xây dựng báo cáo chính sách về phát triển trang trại; và Xây dựng hệ sinh thái, thương hiệu sản phẩm, chiến lược phát triển thị trường, quảng bá chia sẻ nội dung dự án.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp hai nước chứng kiến lễ ký kết.
Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại cho dự án với mức kinh phí hơn 3 triệu USD, được triển khai trong thời gian từ 2022 – 2025 tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) thuộc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thuỵ Phương của Viện Chăn nuôi.
Đây cũng là nơi lưu giữ các giống gốc và dòng lợn ngoại có gen quý được chăm sóc bởi nguồn nhân lực phát triển và có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Sau khi được chăm sóc kỹ lưỡng, mỗi năm xuất bán khoảng 4.500 – 6.000 lợn giống sinh sản và 18.000 – 20.000 lợn thương phẩm.
Việc phát triển các trang trại chăn nuôi thông minh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, khi ngành chăn nuôi đang đối mặt với thách thức gia tăng năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các trang trại thông minh tích hợp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, cảm biến IoT và hệ thống quản lý dữ liệu sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ theo dõi sức khỏe vật nuôi, kiểm soát chất lượng môi trường chuồng trại cho đến dự báo dịch bệnh.
Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn tăng tính bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn tạo động lực để chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, cạnh tranh và thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, các trang trại chăn nuôi thông minh chính là lời giải tối ưu để nâng cao vị thế ngành chăn nuôi trên bản đồ thế giới.
Thùy Khánh
Bài và ảnh