Việt Nam cần có quy trình an toàn thực phẩm trong giết mổ

(Người Chăn Nuôi) – “Canada là đất nước có thế mạnh về chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Chúng tôi mong muốn, thông qua dự án hợp tác giữa hai nước, nhiều địa phương của Việt Nam có thể được tiếp cận với công nghệ, kinh nghiệm, quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực này”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” diễn ra tại Hà Nội mới đây. 

An toàn thực phẩm vì sự phát triển

Các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”.

Những chuyển biến tích cực 

Báo cáo kết quả thực hiện của Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” (gọi tắt là SAFEGRO) trong giai đoạn từ 1/4/2023 – 31/3/2024, ông Brian Bedard, Giám đốc Dự án, cho biết: Dự án đã hoàn thành 10/20 hoạt động, 5 hoạt động đang triển khai tốt, 3 hoạt động mới bắt đầu và 2 hoạt động chưa triển khai. 

SAFEGRO

Giám đốc Dự án Brian Bedard trình bày kết quả thực hiện trong một năm qua.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, Dự án đã xây dựng các quy trình và biểu mẫu giám sát thực hành tốt, tổ chức các khóa tập huấn về áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP; sắp xếp lại phân khu và chức năng của nhà chế biến/đóng gói và xây dựng đội ngũ nông dân/cán bộ nòng cốt để giám sát thực hành an toàn thực phẩm (ATTP) cho chuỗi thịt heo Hoàng Long, hỗ trợ cải thiện chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP, áp dụng thực hành tốt theo yêu cầu HACCP trong công đoạn chế biến, hỗ trợ quy trình xử lý chất thải thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao và phát triển thị trường. 

Đến nay, Dự án đã hoàn thiện 18 quy trình và 26 biểu mẫu kèm theo về chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát thức ăn, nước uống, môi trường, kiểm soát dịch bệnh và quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát nội bộ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường để đáp ứng quy định của VietGAHP, hoàn thiện 1 quy trình và 4 biểu mẫu về giám sát nội bộ theo yêu cầu VietGAHP, cải tiến biểu mẫu ghi chép đảm bảo tiêu chí đơn giản, thuận lợi cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc, tập huấn cho hợp tác xã và người lao động về quy trình, biểu mẫu và áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thay thế ghi chép sổ sách trên giấy…

Tại cuộc họp, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả quan trọng của Dự án với những hoạt động ý nghĩa, đang dần thay đổi nhận thức của một bộ phận các đối tượng sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua một số mô hình điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các đại biểu cho rằng cần lan tỏa những mô hình này rộng hơn ra các địa phương xung quanh, cần truyền thông mạnh hơn nữa để người dân hiểu được tầm quan trọng của nguồn thực phẩm an toàn, cần có nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm từ Dự án… 

Lan tỏa mô hình hay, cách làm mới

Thay mặt Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án, đánh giá cao sự giúp đỡ của Canada trong việc nâng cao chất lượng ATTP tại Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, Dự án đã xây dựng được 31 quy trình về ATTP ở các mô hình, đã hình thành quy trình hướng dẫn thông qua những mô hình cụ thể. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cho rằng, cần rà soát, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, từ đó triển khai nhận rộng nếu thực sự mang lại hiệu quả tốt, cần bám sát chuỗi cung ứng nông sản để xây dựng quy trình kiểm soát ATTP, có phương án hỗ trợ, đưa các sản phẩm đến siêu thị gắn với thương mại nông sản. ATTP phải gắn với thương mại nông sản và muốn vậy thì cần phải xây dựng các chuỗi. Do đó, Ban quản lý Dự án cần tập trung ý kiến, bám vào chuỗi cung ứng nông sản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đúc kết thành quy trình cụ thể.

SAFEGRO

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự giúp đỡ của Canada trong Dự án nâng cao ATTP tại Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý Dự án cũng nêu ra một số khó khăn như mức độ áp dụng VietGAP ở Việt Nam còn rất hạn chế, còn mang tính hình thức, chưa tạo ra “cầu và cung” các sản phẩm thực phẩm an toàn. Do vậy, đơn vị này đề xuất thời gian tới, Bộ NN&PTNT có chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng yêu cầu chung đối với VietGAP cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản; bên cạnh đó là sự tham gia của các đơn vị này với Trung tâm Chuyển đổi số để xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất, phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của các bên liên quan.

“Hiện nay, Dự án mới chỉ triển khai được ở quy mô hợp tác xã, trong khi cả nước có nhiều nhà máy, cơ sở giết mổ nhưng lại thiếu quy trình giết mổ đảm bảo ATTP, hệ thống chưa đồng bộ. Canada là đất nước có nền chăn nuôi phát triển hiện đại, Việt Nam mong muốn những thế mạnh này sẽ dần được chuyển hóa thông qua Dự án đến với các địa phương trên cả nước. Thời gian triển khai Dự án không còn nhiều, để nghị Ban quản lý Dự án rà soát nhiệm vụ, kế hoạch, xem xét các ý kiến chỉ đạo để có điều chỉnh phù hợp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. 

Với vai trò là đồng trưởng Ban Chỉ đạo Dự án, ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển, Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, ghi nhận tầm quan trọng của Dự án cũng như mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Canada. Ông hy vọng những kinh nghiệm về ATTP của Canada sẽ giúp nâng cao việc cải thiện chất lượng ATTP tại Việt Nam. Khi nhận thức về ATTP của đại bộ phận người sản xuất và tiêu dùng được nâng lên, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại xuất khẩu. Đó là đích bền vững mà chúng ta cùng hướng đến. 

SAFEGRO

Ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển, Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, phát biểu.

Được biết, trong giai đoạn tiếp theo từ 1/4/2024 đến 31/3/2025, Dự án sẽ triển khai 21 nhiệm vụ chính. Trong đó, sẽ phối hợp cùng Cục Chăn nuôi thực hiện việc: Đánh giá thực trạng áp dụng VietGAP và dự thảo TCVN để tham vấn; Xây dựng dự thảo Sổ tay VietGAP+ về nuôi heo; Phối hợp cùng Cục Thú y tổ chức tập huấn về việc đánh giá kết quả chương trình giám sát hằng năm dựa trên mối nguy hóa học/sinh học từ thực phẩm (thịt) có nguồn gốc động vật; Hỗ trợ triển khai một số hoạt động điều tra sự cố mất ATTP có nguồn gốc động vật tại Hà Nội và Hồ Chí Minh… 

Dự án SAFEGRO do Chính phủ Canada viện trợ không hoàn lại khoảng gần 11 tỷ USD, thực hiện từ năm 2021 – 2025. Trong đó, SAFEGRO sẽ thu hút các nhà sản xuất (bao gồm các nông hộ nhỏ) và khu vực tư nhân để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc bền vững. Cùng đó, hướng tới việc nâng cao nhận thức về ATTP cho người tiêu dùng và thúc đẩy thay đổi hành vi dẫn tới gia tăng nhu cầu, tiêu thụ nông sản an toàn với giá cả phù hợp.

Thùy Khánh

Bài và ảnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *