Vì sao vẫn khó di dời chăn nuôi khỏi khu dân cư tại Hà Nội?

Thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, các địa phương đã tổ chức thực hiện khá nghiêm túc. Dù vậy, kết quả đến nay cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần tiếp tục tháo gỡ.

Không dễ từ bỏ chăn nuôi

Nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Mạnh Tuấn (Tổ dân phố Đại Cát 1, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) gắn bó với nghề làm đậu phụ. Phụ phẩm sau sản xuất đậu phụ được gia đình sử dụng để chăn nuôi lợn. Bao quanh khu vực chuồng trại của hộ ông Tuấn là chật kín các hộ sinh sống lân cận.

“Gia đình chỉ nuôi khoảng 20 con lợn. Để bảo vệ môi trường, chúng tôi có làm hầm biogas nên không ảnh hưởng gì đến hàng xóm láng giềng. Năm nay tôi cũng ngoài 50 tuổi rồi, không chăn nuôi thì không biết làm nghề gì để mưu sinh…” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn nói.

nuôi lợn nơi không phép tại hà nội

Một hộ chăn nuôi lợn tại phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Trọng Tùng.

Nằm không xa khu dân cư ở Tổ dân phố Hoàng Liên 1 (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm), hơn 1 năm trở lại đây, anh Trần Duy Dinh cũng xây dựng chuồng trại để chăn nuôi hơn 1.000 con ngan. Chuồng trại nằm trên diện tích đất nông nghiệp bị người dân bỏ hoang nhiều năm nay.

Phó Chủ tịch UBND phường Liên Mạc Đoàn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay trên địa phường vẫn còn hơn 100 hộ chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi lợn tại các Tổ dân phố Đại Cát 1, 2, 3. Nguyên nhân là bởi ở 3 tổ dân phố này, bà con vẫn duy trì nghề làm đậu phụ và nấu rượu truyền thống. Các hộ tranh thủ chăn nuôi thêm đàn lợn để tận dụng phụ phẩm.

Tại thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), tình trạng chăn nuôi lợn trong khu dân cư vẫn còn dù không phổ biến như tại phường Liên Mạc. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, các hộ chăn nuôi đều đã trung tuổi, không có nghề nghiệp khác. Họ tận dụng thức ăn thừa từ các hàng quán để chăn nuôi lợn. Việc chăn nuôi chưa gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh nên rất khó xử lý.

 

Hàng ngàn hộ dân vẫn chăn nuôi trong khu dân cư

“Phần lớn các hộ chăn nuôi trong khu dân cư hiện nay là người ở độ tuổi trung niên nên chuyển đổi nghề nghiệp khó. Họ chỉ tranh thủ thức ăn thừa, phụ phẩm trong chế biến thực phẩm để chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Rất hiếm trường hợp chuồng trại chăn nuôi lớn còn tồn tại trong khu dân cư…”

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết số 02 tại 6 quận (Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai), 5 huyện (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) và thị xã Sơn Tây có vùng không được phép chăn nuôi, đến nay số hộ chăn nuôi và tổng đàn gia súc, gia cầm đã giảm đáng kể. 

Một số khu vực không còn hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm như thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), 4 phường của thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, có 3 khu vực giảm trên 99% số lượng đàn gia súc, gia cầm bao gồm: Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) và thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng).

Trái ngược với các địa bàn kể trên, một số khu vực có tỷ lệ chăn nuôi giảm chậm như quận Bắc Từ Liêm (giảm khoảng 28% số con), thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, giảm 39% số con), quận Hà Đông (giảm khoảng 32% số con)… 2 quận Bắc Từ Liêm và Hà Đông cũng là những địa bàn còn tổng đàn gia súc, gia cầm và số hộ chăn nuôi lớn nhất.

Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc thực hiện Nghị quyết số 02, Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Ngà cho biết, trên địa bàn quận tồn tại hoạt động của các viện nghiên cứu, viện chăn nuôi; do đó việc di dời cần có thời gian cũng như quỹ đất phù hợp.

“Thực tế, thủ tục liên quan đến chính sách di dời các cơ sở chăn nuôi từ khu vực không được phép chăn nuôi ra khu vực chăn nuôi đã được quy hoạch cũng khó triển khai do thủ tục phức tạp, xa địa giới hành chính…” – ông Ngà cho hay.

Một số vấn đề khác ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết số 02 cũng được đại diện một số cơ quan quản lý Nhà nước đề cập. Đơn cử như tập quán tận dụng thức ăn gắn liền với thói quen sinh hoạt của người dân; mức hỗ trợ học nghề thấp, thủ tục đăng ký còn phức tạp khiến nhiều hộ dân không mặn mà…

 

Các địa phương cần có chính sách riêng

Để thực hiện Nghị quyết số 02, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp đa dạng. Đơn cử như quận Long Biên đã xây dựng phương án “Dừng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn quận giai đoạn 2021 – 2025”. Hay mới đây, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành kế hoạch riêng nhằm cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02, với mục tiêu đến năm 2024, không còn hộ chăn nuôi trong khu dân cư.

nuôi lợn nơi không phép tại hà nội

Sau 3 năm, vẫn còn hàng ngàn nông hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại những khu vực không được phép trên địa bàn Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn cho biết, quận đang xây dựng dự toán chi phí cho việc di dời cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo Nghị quyết số 02; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp; tìm ngành nghề hoặc việc làm phù hợp và tổ chức đào tạo nghề cho các hộ sau khi không còn chăn nuôi.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện nay đơn vị đang phối hợp với các quận, huyện có khu vực không được phép chăn nuôi tiến hành rà soát số hộ và tổng đàn gia súc, gia cầm; tiến tới sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, vận động với xử phạt nghiêm các cơ sở, hộ chăn nuôi vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu, chấp hành chủ trương, chính sách của HĐND TP Hà Nội, ông Tạ Văn Tường cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội khuyến khích các quận, huyện, thị xã có khu vực không được phép chăn nuôi chủ động xây dựng chính sách riêng, hỗ trợ cho các hộ dừng chăn nuôi. Bố trí ngân sách, hướng dẫn đơn giản hoá thủ tục hành chính để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sang sản xuất – kinh doanh… 

Trọng Tùng

Nguồn: Kinh tế Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *