Thức ăn thô xanh luôn có vai trò quan trọng đối với gia súc ăn cỏ, tuy nhiên tại một số nơi, khả năng trồng cỏ còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào thời vụ. Do đó, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, trong đó đặc biệt là dây khoai lang ủ chua mang đến sự đa dạng về chủng loại thức ăn, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia súc và tiết kiệm công sức, chi phí cho nông dân, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.
Tiềm năng lớn từ dây khoai lang
Vĩnh Long là địa phương có diện tích gieo trồng khoai lang nhiều nhất khu vực ĐBSCL. Từ năm 2005 đến nay, diện tích trồng khoai lang được mở rộng từ huyện Bình Tân sang TX Bình Minh, huyện Tam Bình. Bên cạnh nguồn phụ phẩm như rơm, thân bắp thì phụ phẩm từ nghề trồng khoai lang mà cụ thể là dây khoai lang, củ không đạt chuẩn rất dồi dào.
Trong đó, củ khoai tím Nhật được xếp vào loại 3 (củ có trọng lượng dưới 50 g, bị gãy, trầy xước) chiếm 10% tổng năng suất và thường có giá chỉ bằng 5% so với khoai loại 1 và 2. Khoai loại 3 này không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và là nguồn phụ phẩm giàu năng lượng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trong khi củ khoai lang có thành phần năng lượng cao thì dây khoai lang có thành phần đạm thô ở mức 17,7% tính theo vật chất khô. Cả 2 nguồn thức ăn này đều được xem là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho gia súc.
Tận dụng phụ phẩm để ủ chua làm thức ăn cho gia súc góp phần giúp người chăn nuôi tiết kiệm công sức, tăng hiệu quả.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Thâm- Trường ĐH Cần Thơ, trữ lượng dây khoai lang dồi dào, nhưng nguồn phụ phẩm này chưa được khai thác hiệu quả làm nguồn thức ăn cho gia súc nhai lại như bò, dê.
Do đó, việc nâng cao giá trị các nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương để phối trộn khẩu phần thức ăn cho bò là điều cần được quan tâm. Theo đó, việc ủ chua cho phép tận thu nhiều nguồn phụ phẩm khác nhau sau khi thu hoạch chính phẩm để làm thức ăn dự trữ cho gia súc, giúp người chăn nuôi bò có nguồn thức ăn thô ổn định quanh năm, khắc phục được tình trạng thiếu thức ăn thô trong thời kỳ khô hạn kéo dài.
Ủ chua còn giúp thức ăn được bảo quản lâu dài nhưng ít tổn thất về mặt dinh dưỡng và chi phí thấp. Điều này giúp khai thác bền vững các nguồn tài nguyên tại chỗ để phát triển chăn nuôi, chủ động được nguồn thức ăn cho bò vào thời điểm khan hiếm thức ăn và góp phần bảo vệ môi trường.
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Ủ chua thức ăn là phương pháp bảo quản, tồn trữ tạo điều kiện cho vi khuẩn lactic phát triển. Việc sản sinh ra acid lactic nhằm ức chế quá trình phát triển của vi sinh vật gây thối, nhờ đó thức ăn dự trữ được lâu mà giá trị dinh dưỡng rất ít bị hao hụt.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Thâm, phương pháp ủ chua có giá thành rẻ hơn phương pháp phơi sấy, ít hao hụt các dưỡng chất, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Các phụ phẩm nhiều nước, giàu protein, thu hoạch vào mùa mưa vẫn có thể chế biến dự trữ được bằng phương pháp ủ chua. Ủ chua thức ăn không đòi hỏi thiết bị tốn kém nên giá thành sản phẩm thấp, dễ áp dụng trong điều kiện chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ. Ủ chua thường nâng cao tỷ lệ tiêu hóa thức ăn. Thức ăn ủ chua phù hợp với tình hình thực tế khan hiếm thức ăn tại địa phương.
Qua kết quả các thí nghiệm, năng suất chất xanh của dây khoai lang trung bình là 2,54 tấn/ha. Năng suất củ khoai lang phụ phẩm thấp nhất là 3,81 tấn/ha và cao nhất là 5,61 tấn/ha.
Tất cả các chất bổ sung (cám gạo, bột bắp, mật đường hoặc củ khoai lang phụ phẩm) đều có thể sử dụng để ủ chua dây khoai lang đảm bảo chất lượng tốt và bảo quản trong thời gian 6 tháng. Nuôi dưỡng bò thịt sử dụng dây khoai lang ủ chua ở mức 50 – 75% trong khẩu phần để đạt năng suất tối ưu và có tỷ suất lợi nhuận dương.
Kỹ thuật nuôi bò dựa vào dây khoai lang ủ chua đã được thử nghiệm tại xã Tân Lược và xã Tân Hưng, huyện Bình Tân. PGS.TS Hồ Thanh Thâm cùng các cộng sự đã hướng dẫn và trình bày chi tiết kỹ thuật ủ chua dây khoai lang; kỹ thuật nuôi bò thịt trên nền thức ăn là dây khoai lang ủ chua và các lưu ý trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng bò thịt khi sử dụng dây khoai lang ủ chua.
Tận dụng phụ phẩm dây khoai lang trồng trên đất nhà, chú Trương Văn Tuấn (ấp Hưng Nghĩa, xã Tân Hưng) đã ủ chua dây khoai để làm thức ăn cho bò. Chú Tuấn chia sẻ: “Tôi nuôi 4 con bò nhưng cắt cỏ không xuể.
Giờ tôi tự ủ thức ăn tại nhà, gom cây bắp, khoai lang rồi băm nhỏ, ủ cùng mật đường mua từ Cao Lãnh. Tận dụng hết dây khoai, thân bắp, không bỏ phí gì hết mà bò lại thích ăn. Sau thời gian cho bò ăn, thấy bò dễ tiêu hóa, ít bệnh, lông mướt hơn, phát triển nhanh hơn. Tôi dự định thời gian tới sẽ nuôi thêm vài con bò nữa”.
Để tiếp tục hoàn thiện và duy trì việc sử dụng dây khoai lang ủ chua trong chăn nuôi bò thịt, PGS.TS Hồ Thanh Thâm kiến nghị, đối với cơ quan quản lý cần xây dựng vùng trồng khoai lang an toàn, tuân thủ thời gian ngưng sử dụng thuốc BVTV trước khi cung cấp nguồn phụ phẩm cho người chăn nuôi.
Nông dân thực hiện ủ chua dây khoai lang ở Bình Tân.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ giới hóa các khâu từ băm cắt dây khoai lang đến biện pháp ủ chua với quy mô lớn hơn. Thành lập nhóm liên kết làm đầu mối thực hiện ủ chua dây khoai lang để phân phối đến các hộ nuôi bò.
Bà Đặng Trúc Lan Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp-PTNT), cho biết: Phương thức ủ chua được ứng dụng sẽ góp phần giúp dự trữ và nâng cao giá trị của nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương là dây khoai lang để bổ sung vào nguồn thức ăn cho bò.
Đây là cách bảo quản và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm sẵn có ở địa phương và chủ động được nguồn thức ăn ngay cả ở thời điểm khan hiếm thức ăn nhất trong năm, mở ra hướng sản xuất phù hợp và phát triển bền vững nghề chăn nuôi bò nói riêng và chăn nuôi gia súc nhai lại nói chung ở địa phương.
Bài, ảnh: Phương Thảo
Nguồn: Báo Vĩnh Long