Nửa tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Chiêu Yên (Yên Sơn) liên tiếp xuất hiện tình trạng lợn chết.
Chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên buồn rầu nói, bắt đầu từ ngày 16-10, đàn lợn của gia đình xuất hiện 1-2 con bỏ ăn, sốt cao. Nghĩ lợn ốm thông thường chị ra hiệu thuốc thú y của xã mua thuốc về tự điều trị. Tuy nhiên, bệnh của lợn không có tiến triển mà còn trầm trọng thêm.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản lấy mẫu lợn xét nghiệm bệnh.
Hôm nay vài con, ngày mai vài con đổ bệnh giống nhau rồi lần lượt cả đàn hơn 40 con, ước chừng khoảng 3 tấn lợn đi sạch chuồng. Lợn chết đều có 1 biểu hiện chung là sốt cao, chảy máu cam, tiêu chảy. Chị Vân chia sẻ, toàn bộ vốn liếng của cả nhà đổ vào đầu tư chăn nuôi giờ dịch bệnh cuốn đi hết.
Cũng trên địa bàn xã Chiêu Yên, 25 con lợn của gia đình bà Tạ Thị Quý chuẩn bị xuất chuồng cũng lần lượt chết. Bà Quý cho biết, bà chỉ bán được 1-2 con, còn đâu là phải tiêu hủy vì lợn đã bệnh nặng.
Tại huyện Lâm Bình đã ghi nhận 45 hộ chăn nuôi, thuộc 3 xã gồm: Khuôn Hà, Thượng Lâm, Lăng Can có lợn nhiễm bệnh. Số lợn phải tiêu huỷ là 121 con. 3 xã đều chưa công bố hết dịch do diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh lan rộng vẫn rất cao.
Đây chỉ là những địa phương có báo cáo tình trạng lợn nhiễm bệnh, trên thực tế số địa phương, đàn lợn nhiễm bệnh còn cao hơn nhiều. Tại một số xã trên địa bàn huyện Sơn Dương, xuất hiện tình trạng lợn nhiễm bệnh, thậm chí là lợn bị nhiễm ghép tức là cả bệnh dịch tả lợn châu Phi và tai xanh.
Tuy nhiên nhiều hộ chăn nuôi đã không báo cáo với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn vì lo ngại báo xã, xã sẽ công bố dịch. Và khi đã công bố dịch sẽ làm giảm giá lợn trên địa bàn, thậm chí là không thể tiêu thụ.
Theo phản ánh từ các địa phương, đàn lợn bị nhiễm bệnh tập trung ở hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô 5-10 con, hoặc 20-40 con với hệ thống chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo các yêu cầu về chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bản thân chủ hộ chăn nuôi cũng chưa có kiến thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Chuồng chăn nuôi của gia đình chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn đã không còn con lợn nào do dịch tả lợn châu Phi.
Điển hình như gia đình chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn), khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, không báo cáo cán bộ thú y mà tự mua thuốc điều trị và cũng không thực hiện các biện pháp tách lợn nhiễm bệnh ra khỏi đàn.
Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi và một số dịch bệnh khác đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều địa phương, ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản khuyến cáo: Người chăn nuôi ở các địa phương vùng đã xuất hiện ổ dịch, phun thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần/ngày tại vùng dịch, 1 lần/tuần tại các xã bị uy hiếp; thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên. Riêng các hộ có lợn bị nhiễm bệnh không vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng; dịch chưa qua 21 ngày tuyệt đối không được tái đàn.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường nhân lực hỗ trợ các địa phương theo dõi sát diễn biến dịch, có biện pháp xử lý, khoanh vùng các ổ dịch, tránh tình trạng dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra.
Nguồn: Báo Tuyên Quang