(Người Chăn Nuôi) – Những công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR có thể giúp cải thiện tình trạng kháng dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất gia cầm.
Cách đây 2 năm, các nhà khoa học Anh đã dùng công nghệ chỉnh sửa gen mới CRISPR để loại bỏ vài phần của protein ANP32, giúp gà kháng cúm nhưng hầu như không tạo ra thay đổi gì đáng kể ở vật nuôi. Tuy nhiên, công nghệ này đến nay vẫn còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Các hãng gia cầm cũng chưa chắc chắn liệu người tiêu dùng có chấp nhận các sản phẩm gia cầm chỉnh sửa gen hay không. Ðôi khi, thiếu kiến thức sẽ trở thành rào cản và khiến công nghệ mới như chỉnh sửa gen gia cầm khó được chấp nhận hơn.
Tiêu dùng thực phẩm là một phạm trù mang đậm tính chất cá nhân và nhạy cảm bởi nó tác động đến mỗi người trong cuộc sống hàng ngày. Nói về chỉnh sửa hệ gen, những rủi ro tiềm ẩn phía trước của công nghệ này luôn là yếu tố quan trọng. Hiện, rất nhiều người không có chút kiến thức nào về công nghệ này, thậm chí hoàn toàn mù tịt về kỹ thuật nhân giống trong chăn nuôi. Ðiều này khiến họ có khó có thể đánh giá và so sánh công nghệ chỉnh sửa hệ gen.
Trong một cuộc khảo sát 3.700 người tại 5 quốc gia, gồm Italia, Ðức, Canada, Áo và Mỹ do Ðại học Gottingen thực hiện cùng Ðại học British Columbia, những người tham gia khảo sát đã đưa ra nhận định về rủi ro và lợi ích của các công nghệ nhân giống mới. Các ứng dụng của chỉnh sửa gen đã được đánh giá gồm: 3 ứng dụng liên quan đến kháng bệnh ở người, thực vật hoặc động vật; Và 2 ứng dụng còn lại liên quan đến nâng cao chất lượng hoặc sản lượng trong chăn nuôi.
Ở tất cả các quốc gia, phần lớn người tham gia khảo sát đều nhận thức được phải sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen khi cần một công cụ chống lại dịch bệnh ở người; Tạo đề kháng trước một loại dịch bệnh ở thực vật hoặc động vật. Như vậy, chỉnh sửa gen được sử dụng để cải thiện chất và lượng trong chăn nuôi.
Ðối với nhiều người tiêu dùng hiện nay, ngăn chặn dịch bệnh vẫn là giải pháp tốt hơn ứng dụng các biện pháp làm tăng hiệu suất hoặc thay đổi chất lượng sản phẩm. Dù ứng dụng công nghệ gì nhưng nếu động cơ chính là tăng lợi nhuận, thì sự chấp nhận của người tiêu dùng cũng đều giảm xuống.
Tuy nhiên, những người am hiểu về chỉnh sửa gen lại ủng hộ công nghệ này. Ngoài ra, khảo sát phát hiện ra, những người tiêu dùng là nữ giới hoài nghi nhiều hơn về công nghệ mới. Do đó, cách tốt nhất để người tiêu dùng chấp nhận công nghệ chỉnh sửa gen là bàn và thỏa luận về từng ứng dụng của chỉnh sửa gen mà trước tiên và quan trọng nhất là ngăn chặn dịch bệnh.
Nhiều người tiêu dùng hiện nay đều bày tỏ quan ngại về phúc lợi động vật trong hệ thống chăn nuôi gia cầm và cho rằng, những công nghệ nhân giống mới thậm chí sẽ vi phạm các tiêu chuẩn phúc lợi động vật. Do đó, cải thiện toàn bộ hệ thống về mặt phúc lợi động vật kết hợp chỉnh sửa gen để ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn sẽ là một chiến lược khả thi.
TS. Gesa Busch
Ðại học Gottingen, Ðức