Trong thách thức có cơ hội

(Người Chăn Nuôi) – Dù còn nhiều thách thức song những tín hiệu vui, tích cực vẫn hé lộ. Nếu biết khắc phục khó khăn, tận dụng và khai thác tốt lợi thế, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đón nhận nhiều thành công trong năm 2023.

Thế giới sáng tối đan xen

Năm 2022 trôi qua với nhiều biến động cho các ngành sản xuất, trong đó có ngành chăn nuôi. Do tác động của hàng loạt yếu tố ngoại cảnh như đại dịch COVID-19, chiến sự giữa Nga và Ukraine, một số dịch bệnh như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết bất ngờ bùng phát ở mức đáng báo động… khiến giá cả leo thang, đặc biệt là giá nguyên, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm tăng cao đã dẫn tới một cuộc lạm phát ở mức cao nhất trong vài chục năm gần đây xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới. Giá cả hầu hết các sản phẩm chăn nuôi như heo, bò và gia cầm đều tăng với tốc độ gần bằng hoặc cao hơn giá thành sản xuất.

chế biến thịt

Bên cạnh những cơ hội, ngành chăn nuôi toàn cầu dự báo cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023. Ảnh: Shutterstock

Bước sang năm 2023, hầu hết các dự báo đều cho thấy, bên cạnh những mảng màu sáng tích cực còn đan xen những mảng màu tối gây cản trở cho ngành chăn nuôi toàn cầu. Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với ngành heo, sản lượng thịt heo toàn cầu được sẽ tăng 1% vào năm 2023 lên 111 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc, quốc gia chiếm 47% sản lượng thế giới dự kiến sẽ sản xuất 52 triệu tấn thịt, tăng 2% so năm 2022 (51 triệu tấn). Sản lượng thịt heo của Mỹ sẽ tăng 1% lên 12,4 triệu tấn do sản lượng ngũ cốc khiến giá thức ăn tăng, mặt khác các trang trại có xu hướng kéo dài thời gian xuất chuồng nên khối lượng heo hơi tăng hơn khoảng 10%. Mặc dù sản lượng thịt heo toàn cầu được dự báo sẽ tăng trong năm 2023, nhưng xuất khẩu lại được cho là sẽ giảm 1,6%, xuống 10,5 triệu tấn. Điều này chủ yếu là do Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu vì nguồn cung trong nước đã được cải thiện. Xuất khẩu của EU được dự báo sẽ giảm 3,6% do công tác vận chuyển thịt heo sang Trung Quốc gặp khó khăn và sản lượng trong khối giảm. Đối với gà: Sản lượng thịt gà toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2% vào năm 2023, đạt 102,7 triệu tấn. Phần lớn các nhà sản xuất gia cầm trên thế giới (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến sẽ có lãi trong năm tới, trong đó Brazil là quốc gia có tăng trưởng đáng kể nhất. Xuất khẩu thịt gà toàn cầu dự báo sẽ tăng 3,7% vào năm 2023 lên 14,1 triệu tấn.

Đối với bò: Sản lượng thịt bò toàn cầu dự báo giảm nhẹ vào năm 2023 xuống còn 59,2 triệu tấn. Mặc dù sản lượng sẽ tăng ở một số nước như Trung Quốc, Brazil và Australia, nhưng sẽ giảm ở Mỹ và EU. Xuất khẩu toàn cầu cũng được dự báo giảm 1,2% vào năm 2023 xuống còn 12,1 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu thịt bò trong năm tới.

dự báo sản lượng thịt heo toàn cấu 2023

Dự báo sản lượng và thị trường thịt heo toàn cầu 2023 – Nguồn: FAS – USDA

 

Việt Nam sẽ ra sao?

Theo Cục Chăn nuôi, mục tiêu của ngành chăn nuôi nước ta năm 2023: Giá trị sản xuất tăng 4,5 – 5% so năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,27 triệu tấn, tăng 4,1%. Trong đó, sản lượng thịt heo hơi tăng 4%; Sản lượng thịt gia cầm tăng 4,8%. Sản lượng trứng các loại tăng khoảng 3,8%. Sản lượng sữa tăng khoảng 8%. Sản lượng mật ong tăng khoảng 7,1%. Sản lượng tổ yến tăng khoảng 5,6%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp quy đổi đạt trên 21 triệu tấn, tăng 5% so năm 2022

Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh những cơ hội, ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài các thách thức chung, có tính toàn cầu hiện vẫn chưa thể khắc phục như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và thiếu quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, ngành chăn nuôi còn đối mặt với các khó khăn hiện hữu như năng suất thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu… Trong khi đó, cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá cả sản phẩm trong nước với hàng nhập khẩu dự báo sẽ quyết liệt hơn vì nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các nước sẽ có hiệu lực đầy đủ vào năm tới. Mặt khác, tình trạng lạm phát trong nước dự báo sẽ còn tăng vào những tháng đầu năm, nếu không kiềm chế được, tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN tăng do Việt Nam phải nhập khẩu hơn 70% nguyên liệu từ nước ngoài. Ngoài ra, chiến sự giữa Nga và Ukraine, tăng lạm phát tăng ở nhiều nước, đặc biệt là những nước xuất khẩu nguyên liệu thức ăn như Mỹ, Brazil, Mexico… còn diễn biến phức tạp, khó đoán định nên có thể ảnh hưởng đến giá TĂCN trong nước trong năm tới.

Tuy nhiên, trong thách thức có cơ hội: Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước dự kiến sẽ tăng 5 – 7% so năm 2022 vì thu nhập thực tế của người dân tăng nhờ Chính phủ tăng lương cơ bản thêm 20,8% vào giữa năm 2023. Mặt khác, lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 100% trong quý II/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống. Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cho rằng, các cơ sở chăn nuôi sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực trong 2023 do nguồn cung thịt các loại dự báo sẽ giảm do nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn. Giá TĂCN sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022 đã quay đầu giảm từ quý III/2022 và dự kiến sẽ giảm tiếp trong năm tới do nhu cầu tiêu thụ TĂCN toàn cầu giảm, mặt khác nguồn cung nguyên liệu đã được phục hồi do Ukraine đã xuất khẩu được lương thực sau một thời gian dài ùn tắc. Thêm một tín hiệu tích cực nữa đó là giá phân bón đã hạ nhiệt, góp phần tăng năng suất và sản lượng ngô, đậu tương toàn cầu, giúp giảm áp lực về giá. Cơ hội xuất khẩu thịt và sản thịt các loại dự báo sẽ thuận lợi hơn vì các doanh nghiệp FDI thời gian qua đã đầu tư nhiều dự án chế biến sâu và sẽ có hàng vào năm tới. Xuất khẩu tiểu ngạch dự báo cũng sẽ có nhiều lợi thế trong năm tới. Tóm lại, trong thách thức vẫn còn nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi nước ta bứt tốc trong năm 2023.

GS.TS. Nguyễn Duy Hoan

Giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *